Mời các bạn đón xem trailer chương trình:
Quốc nạn... chặt chém
Từ nhiều năm nay, nạn đeo bám, chèo kéo, ép buộc mua hàng với giá cắt cổ... đã là chuyện thường ngày ở các điểm du lịch, nhất là vào dịp cao điểm như mùa lễ hội đầu năm, khi lượng du khách trong và ngoài nước tăng vọt. Không chỉ diễn ra ở những điểm du lịch đông nghịt khách hay các khu đền, chùa, danh thắng nơi rừng núi, hình ảnh những người khách nước ngoài phải gắng hết sức để né tránh, trốn chạy khi bị ấn gánh hàng vào vai - dù họ không muốn - ngay giữa trung tâm Hà Nội cho thấy tệ nạn ngày càng diễn ra ngang nhiên.
|
Nạn chèo kéo khách mua hàng đang khiến khách du lịch khó chịu khi đến Hà Nội. |
Mới đây dư luận xôn xao về đội quân đánh giày kiểu “chặt chém, trấn lột" tiền của khách du lịch xuất hiện quanh khu vực phố cổ, Hồ Gươm (Hà Nội). Đội quân này chẳng cần biết du khách có nhu cầu hay không, bất cứ ai đi qua ngã tư Hàng Đào - Cầu Gỗ, ngã tư Mã Mây - Hàng Chĩnh... liền bị những thanh niên này chạy ra ôm chân và rút giày, dép. Sau đó, họ lấy dụng cụ như dao, keo dán và tự ý sửa trước sự ngạc nhiên của những du khách. Kết quả sau mỗi lần chèo kéo ấy là 300 ngàn cho tới cả
triệu đồng một lượt đánh giày.
Bà Helen – một du khách đến từ Nauy cho biết: “Ban đầu anh ta nói có 5.000 đồng, sau đó lại đòi 500.000 đồng, Anh ta đã không nói rõ ràng với tôi. Tôi hết sức bực mình. Đây thực sự là một trải nghiệm tồi tệ”.
Những điều kể trên đã và đang làm xấu đi hình ảnh một đất nước Việt Nam thân thiện, chào đón khách du lịch, vậy thực trạng này vì sao vẫn tiếp diễn ngang nhiên và các cơ quan quản lý có nắm được điều này hay không?
Câu hỏi chưa lời giải đáp
Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, thậm chí nhiều nơi được báo chí quốc tế bình chọn là những điểm đến thú vị, được đánh giá đứng thứ 6 trong 20 điểm đến tốt nhất thế giới. Nhưng so với các nước trong khu vực, những con số mà du lịch Việt Nam những năm qua đạt được là hết sức khiêm tốn. Năm 2014, trong khi Malaysia, Thái Lan đón lần lượt 27,4 triệu và 24,7 triệu lượng khách quốc tế thì Việt Nam chỉ đón 7,8 triệu khách.
|
Một du khách bị ép buộc phải sửa đôi dép của mình khi đang đi lại ở phố cổ. |
Và nếu như tìm kiếm từ khóa "
nạn “chặt chém” tại Việt Nam" trên Google thì trong vòng 0,24 giây có đến hơn 4 triệu kết quả.
Trả lời báo chí, phó cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam thừa nhận: "Việc xử phạt hành chính, dù ở mức cao với người có hành vi chặt chém du khách chỉ là bắt cóc bỏ đĩa". Ông này cũng ghi nhận, việc chèo kéo đôi khi tới mức cưỡng ép mua bán, còn giá cả bị “chặt chém” tới mức có thể gọi là hành vi lừa đảo. Vì vậy, đại diện Tổng cục Du lịch cũng không ngần ngại khi đặt nạn “chặt chém” lên tầm “quốc nạn”.
Người ta cho rằng muốn hạn chế dần nạn “chặt chém” du khách, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là cần tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân nâng cao ý thức, cần có hệ thống pháp luật, chế tài đủ mạnh, nghiêm khắc để răn đe những hành vi vi phạm, thậm chí, xây dựng lực lượng cảnh sát du lịch để vãn hồi trật tự...
Phải chăng, với hệ thống pháp luật đang có, chúng ta bó tay trước nạn “chặt chém” du khách?
Mời các bạn cùng đón xem chương trình "8 giờ 15 phút tối" với tựa đề "Chặt chém" khách du lịch ở Việt Nam" trên kênh An ninh Thế giới (ANTG) – Truyền hình An Viên:
- Phát sóng chính thức: 20h15 thứ Năm (8/10/2015)
- Phát lại: 9h00 thứ Sáu (9/10/2015) & 15h00 thứ Bảy (10/10/2015)