Nhộn nhạo lễ hội của người Việt

Google News

(Kiến Thức) - Lễ hội của người Việt là một hoạt động văn hóa cộng đồng hết sức quan trọng. Tuy nhiên nó cũng bộc lộ nhiều bất cập, khiến nhiều người phải suy nghĩ về ý nghĩa của những lễ hội đó như thế nào.

Du khách đến hội Lim Bắc Ninh 
Mặc dù Ban quản lý lễ hội đã cấm tuy nhiên, cảnh ngả nón xin tiền của các liền anh liền chị tại hội Lim Bắc Ninh vẫn tái diễn, cảnh chen lấn, xô đẩy mua bán ấn Đền Trần vẫn không hề giảm. Và còn rất nhiều việc chướng tai gai mắt như cúng, khấn thuê, bán thịt thú rừng, tranh cướp, chèo kéo khách, đang diễn ra một cách công khai tại các lễ hội khác. Cái xấu vẫn cứ như chiếc vòi bạch tuộc, vươn dài, ngày càng thọc sâu hơn vào lễ hội, cuốn đi những giá trị văn hóa đã được cha ông ta truyền lại từ ngàn đời nay.
 Hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy để sớm xin được lá ấn đền Trần
Những hình ảnh chen lấn xô đẩy để mua ấn Đền Trần từ lâu đã trở thành câu chuyện gây bức xúc dư luận mỗi khi lễ hội khai ấn Đền Trần tại Nam Định mở hội. Thật đáng buồn khi nhiều người cho rằng, cảnh chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau mua ấn vài năm trở lại đây đã trở thành một trong những “đặc điểm nhận dạng” của lễ hội có nhiều ý nghĩa này.
Tại lễ hội Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) chỉ với vài chục ngàn đồng, bất kỳ ai cũng có thể nhờ được một người khấn thuê cho mình, nhằm truyền đạt những mong muốn của mình một cách tốt nhất đến thần linh. Mặt khác, các hiện tượng mê tín dị đoan, như viết sớ thuê, dịch quẻ thẻ, xem bói, cũng xuất hiện tràn lan trong không gian lễ hội.
 Lễ hội đền Bà Chúa Kho tồn tại nhiều hạn chế, bất cập
Chùa Hương, một trong những lễ hội tâm linh lớn nhất cả nước, nhiều năm qua, dư luận xã hội đã lên tiếng phản ánh về tình trạng buôn bán thịt thú rừng một cách công khai. Những hình ảnh phản cảm đập vào mắt du khách thập phương ngay từ khi người ta bước chân từ những chiếc đò lên bờ. Không thể cấm được con người ăn uống, bởi đó là một nhu cầu cơ bản, và cũng không thể cấm được những hộ dân kinh doanh ở đây buôn bán, bởi đó là tính tất yếu của lễ hội. Song làm sao để những nhu cầu đó được đáp ứng một cách tế nhị, có văn hóa, thì đó lại là câu chuyện khiến chúng ta phải suy nghĩ.
 Một hình ảnh không đẹp tại Chùa Hương
Không chỉ hoạt động buôn bán quá đà gây ra nhiều bức xúc trong dư luận, mà còn rất nhiều hình thức kinh doanh khác như bán vé, chở đò làm mất đi vẻ đẹp của một lễ hội tâm linh có phong cảnh thơ mộng hữu tình nhất đất Bắc này. Vào chính hội, mỗi ngày có hàng ngàn chiếc thuyền ra vào đưa đón khách. Chính vì thế, tình trạng đánh nhau do tranh giành, chèo kéo khách không phải là hiện tượng hiếm gặp.
Địa phương nào cũng có lễ hội, tuy nhiên nên định hình những giá trị văn hóa bền vững trong quá trình khôi phục và tổ chức, phù hợp truyền thống địa phương. Cần phải gắn kết được các hoạt động văn hóa với quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Ngoài ra, cần làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu và thay đổi nhận thức, có thái độ ứng xử đúng mực, tránh tình trạng làm biến thái các lễ hội, khiến các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bị mai một.
Mời các bạn đón xem chương trình “Nỗi buồn mang tên lễ hội” phát sóng lúc 20h15 thứ Năm (24/3) trong dải giờ “8 giờ 15 phút tối” trên kênh ANTG. Chương trình được phát lại vào lúc 9h00 sáng thứ Sáu (25/3) và 15h00 thứ Bảy (26/3) trên kênh ANTG.
Như Quỳnh

Bình luận(0)