Mặc dù chưa vào cao điểm mùa khô nhưng tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL đã diễn ra gay gắt trên phạm vi rộng. Tính đến thời điểm này, đã có gần trên 100.000 ha lúa bị thiếu nước; 1/3 trong số đó đã bị mất trắng. Kiên Giang là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất với trên 30.000 ha lúa bị nhiễm mặn, 17.000 ha lúa bị mất trắng.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng nước từ đầu nguồn xuống mức thấp, xâm nhập mặn sâu đã làm thiệt hại nặng nề hơn 30.000 ha lúa mùa và đông xuân. Hàng ngàn hécta lúa đã được gieo sạ lại lần 2, lần 3 nhưng phát triển rất èo uột. Diện tích bị thiệt hại tập trung ở các huyện như An Biên, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Minh,…
|
Một cánh đồng lúa bị hạn hán ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng |
Tại tỉnh Sóc Trăng, nhiều diện tích lúa bị chết khô không thể cứu vãn; trong khi các diện tích còn lại cũng đang trong tình trạng bị đe dọa trầm trọng. Hạn hán và mặn xâm nhập sớm đã làm cho các diện tích lúa Xuân Hè của huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng bị khô cằn nhiều ngày liền.
Do hạn mặn năm nay đến sớm, gay gắt và kéo dài hơn mọi năm nên kế hoạch sản xuất vụ lúa Xuân Hè của huyện Long Phú chỉ là 5000 ha. Phòng nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân các xã nằm trong vùng dự án Đê bao Long Phú – Tiếp Nhật không nên gieo sạ, vì đây là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của mặn xâm nhập hàng năm.
|
Các quốc gia nằm ở hạ lưu sông Mekong, trong đó có Việt Nam, đang đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất 100 năm qua |
Sông Mekong ngày càng trở thành điểm nóng khi các quốc gia ở phía hạ lưu ngày càng nhận rõ tác động tiêu cực đến nguồn nước và người dân. Trong thời gian tới, Lào và Campuchia sẽ xây dựng 11 thủy điện. Ngoài Ennino gây thiếu hụt lượng mưa, dòng chảy thì chúng ta không thể không nhắc tới những tác động từ việc chặn dòng xây dựng các đập thủy điện. Nước không về hoặc có cũng không nhiều để đẩy mặn ra biển. Hậu quả là xâm nhập mặn đã tiến sâu vào nội đồng từ 50 đến 90km dù mới ở đầu thời điểm mùa khô.
Theo tính toán các đập thủy điện sẽ biến khoảng 55% độ dài sông ở hạ lưu thành hồ chứa nước và làm biến đổi dòng chảy từ đó thay đổi bản chất tự nhiên cũng như môi trường.
ĐBSCL chỉ chiếm 5% tổng lưu lượng dòng chảy 475 triệu m3 mỗi năm, nên những biến động dù là nhỏ nhất cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vựa lúa của cả nước
Để ứng phó với tình hình trên, các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã có nhiều chỉ đạo và triển khai công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Trên bình diện quốc tế, các nước sở hữu những đập thủy điện lớn trên thượng nguồn sông Mê kông cũng đã tuyên bố xả nước xuống hạ lưu sông Mekong để cứu hạn Đông Nam Á. Từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5 năm 2016, Lào sẽ tiến hành xả nước từ các đập thủy điện. Bên cạnh đó phía Trung Quốc sẽ tăng lưu lượng xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam) xuống khu vực hạ lưu. Cùng với lượng nước xả từ đập thủy điện và từ một số con sông khác của Thái Lan, ước tính tổng cộng lượng nước từ sông MeKong qua Lào, Campuchia và Việt Nam vào khoảng 3.611m3/s. Dự kiến lượng nước trên sẽ tới khu vực ĐBSCL vào tuần đầu tháng 4 năm 2016 – thời điểm được dự báo đây là tháng đỉnh điểm của hạn hán và xâm nhập mặn.
Như vậy cơn khát và ngập mặn tại đây hy vọng sẽ dịu đi phần nào. Nhưng đó chỉ là trước mắt, còn để ứng phó lâu dài với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL tiếp tục là vấn đề cấp bách đòi hỏi các cơ quan chức năng vẫn phải ráo riết vào cuộc.
Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn sẽ được phản ánh trong chương trình “Hạn - mặn: Thiên tai hay nhân tai” phát sóng trong dải giờ “8 giờ 15 phút tối” vào lúc 20h15 thứ Sáu (8/4) trên kênh ANTG. Chương trình được phát lại vào lúc 9h00 thứ Bảy (9/4) và 15h00 Chủ nhật (10/4) trên kênh ANTG. Mời các bạn đón xem!