Bí mật ít biết về ca khúc “Không” của Nguyễn Ánh 9

Google News

(Kiến Thức) - Ra đời khá ngẫu hứng nhưng "Không" là bài hát ghi dấu những kỷ niệm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 với nữ danh ca nổi tiếng.

Nhiều người thuộc làm lòng từng câu chữ ca khúc "Không" nhưng ít ai biết đó là tác phẩm đầu tay đưa Nguyễn Ánh 9 trở thành nhạc sĩ nổi danh sau này.
Sau ca khúc đó, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lần lượt cho ra đời nhiều bài hát có ca từ đẹp như: "Buồn ơi ta xin chào mi", "Đêm tình yêu", "Xin đừng nói yêu tôi", "Biệt khúc", "Tình khúc chiều mưa"...
Bi mat it biet ve ca khuc Khong cua Nguyen Anh 9
Hình ảnh Nguyễn Ánh 9 bên cây dương cầm đã khắc sâu vào lòng người yêu nhạc Việt. 
Nguyễn Ánh 9 bắt đầu sự nghiệp viết nhạc một cách rất tình cờ trong một chuyến đi Nhật biểu diễn cùng ca sĩ Khánh Ly. Sau buổi diễn tại hội chợ Osaka, khi cùng với Khánh Ly đứng chờ thang máy lên phòng khách sạn, thấy người bạn mình mang vẻ mặt buồn buồn, Khánh Ly lên tiếng hỏi: "Còn thương nó không bạn?", ý muốn hỏi về một người bạn gái quen biết Nguyễn Ánh 9 vào thời đó. Sẵn cây ghi-ta trên tay, Nguyễn Ánh 9 gẩy đàn rồi cất tiếng hát: "Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa...". Đến khi trở về Việt Nam, Khánh Ly đề nghị ông soạn nhạc phẩm này. Trước đề nghị đó, ông đã hoàn tất nhạc phẩm đầu tiên của mình trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, "Không" chính là bài hát Nguyễn Ánh viết để kết thúc mối tình với Khánh Ly khi nữ danh ca hỏi ông: "Ánh ơi, mày còn yêu tao nữa không". Những giai điệu và ca từ bài hát đã được bật ra trong hoàn cảnh như thế. Trong liveshow "Kỷ niệm" năm 2015, nhạc sĩ chia sẻ, mối tình với Khánh Ly khép lại từ đó và để lại kỷ niệm đẹp mà ông muốn lưu giữ mãi, giữ mãi trong trái tim, tình cảm của mình. 
Ca khúc "Không" của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được Khánh Ly thu lần đầu trong đĩa nhựa của nhãn đĩa Tình ca quê hương. "Không" trở thành một trong những nhạc phẩm gắn liền với cuộc đời ca hát của Elvis Phương, cũng như một số ca khúc khác của Nguyễn Ánh 9 như: "Ai đưa em về", "Chia phôi", "Lời cuối cho em",... được Elvis Phương trình bày thường xuyên trên sân khấu của vũ trường Queen Bee tại thành phố Sài Gòn vào đầu thập niên 1970. Sau này, "Không" còn được được dịch sang tiếng Nhật và được "đệ nhất danh ca Châu Á" Đặng Lệ Quân (Teresa Teng) hát lại với tên "Nji".
Sau này, Nguyễn Ánh 9 cũng viết "Không 2" nhưng không vượt qua được thành công của bản đầu tiên. Tuy nhiên, ca khúc này được nhiều ca sĩ trẻ remix lại với nhiều phong cách khác nhau.
Dù có nhiều nhạc phẩm nổi tiếng, đi cùng năm tháng nhưng Nguyễn Ánh 9 vẫn luôn gắn bó với nghiệp nhạc công. Từ khi chọn theo con đường âm nhạc, tác giả của "Buồn ơi, chào mi" đã cùng cộng tác làm việc cho nhiều đài truyền hình, phòng trà, vũ trường lớn ở Sài Gòn. Ông là người đệm đàn chính cho Khánh Ly, Thái Thanh, Ánh Tuyết... Có một thời gian, Nguyễn Ánh 9 chuyển sang đứng lớp dạy dương cầm do chính ông mở ra. Chỉ vài năm sau, ông quay lại với âm nhạc bằng cách tiếp tục tham gia các chương trình hòa tấu, biểu diễn dương cầm và viết nhạc cho nhiều bộ phim ăn khách những năm đầu thập niên 90 như: "Mênh mông tình buồn", "Mảnh tình nghiệt ngã"...
Những năm cuối đời, Nguyễn Ánh 9 vẫn cần mẫn biểu diễn dương cầm ở các khách sạn năm sao nổi tiếng ở Sài Gòn vừa chiến đấu với căn bệnh viêm phổi mãn tính, suy tim. 
>>> Xem clip Đặng Lê Quân hát ca khúc "Không" của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9:

Châu Giang

>> xem thêm

Bình luận(0)