Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã tham dự cuộc họp về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 ngày 9-4, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Tân bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ sẽ xem xét, nghiên cứu các biện pháp
hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, toàn diện cho thí sinh. Ảnh: VGP
Cố gắng tránh sai sót ở kỳ thi tốt nghiệp THPT
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã rút kinh nghiệm từ các bài học trong việc tổ chức kỳ thi những năm trước, đặc biệt là phương án ứng phó trong tình huống có dịch bệnh như trong năm 2020.
“Vừa qua Bộ GD&ĐT đã công bố đề tham khảo, được giáo viên, chuyên gia đánh giá là vừa đảm bảo tốt nghiệp, vừa đảm bảo độ phân hóa phù hợp, làm phong phú ngân hàng đề” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn rất được quan tâm. Việc phân cấp địa phương tổ chức kỳ thi, chịu trách nhiệm trực tiếp là chủ trương đúng đắn.
Ông đề xuất Bộ GD&ĐT cần hướng dẫn thật tốt, chi tiết các khâu, đặc biệt bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra chính thức phải có kế hoạch đột xuất để phát hiện những trục trặc, vấn đề và xử lý kịp thời, nhanh chóng.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, về lâu dài kỳ thi tốt nghiệp THPT phải làm sao tác động ngược trở lại để giúp nâng cao chất lượng, giúp hệ thống giáo dục phát triển lành mạnh, đồng thời bảo đảm quyền lợi được học lên bậc cao hơn của thí sinh sau khi tốt nghiệp THPT.
Các đại biểu nhận xét những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cần tiếp tục phát huy như giao trách nhiệm trực tiếp cho các địa phương nhưng Bộ GD&ĐT, bộ trưởng Bộ GD&ĐT là người chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi; công khai học bạ; tổ chức chấm thi tập trung; đề thi vừa đáp ứng yêu cầu thi tốt nghiệp, vừa phân hóa, bảo đảm cơ hội vào đại học rộng mở hơn cho tất cả thí sinh.
Bên cạnh đó, kỳ thi năm 2021 phải tiếp tục được rà soát, cải tiến, rút gọn những khâu trong tổ chức kỳ thi từ tổ chức ra đề, tập huấn công tác coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra đến xử lý các vi phạm, tình huống phát sinh… làm sao vẫn đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, an toàn, trung thực, khách quan nhưng không gây căng thẳng, áp lực không cần thiết cho thí sinh và xã hội.
Đáng chú ý, các ý kiến cho rằng quy chế thi phải chặt chẽ nhưng phải nhân văn, đứng về phía thí sinh, tạo điều kiện tối đa cho các em, xem xét kỹ càng, thấu đáo những trường hợp vi phạm quy chế thi.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết ông sẽ dành sự quan tâm, trực tiếp làm việc với các cục, vụ, kiểm tra kỹ, rà soát tất cả các khâu để tránh sai sót, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới, bảo đảm an toàn từ chuẩn bị đề, chấm thi, xác nhận kết quả, công bố điểm, đăng ký xét tuyển…
“Không chỉ giới hạn trong quy chế, Bộ GD&ĐT cũng sẽ xem xét, nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, toàn diện cho thí sinh” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Tạo điều kiện cho thí sinh dự thi
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT là việc rất quan trọng, không chỉ của ngành giáo dục mà của toàn xã hội bởi liên quan đến gần 1 triệu học sinh, trong đó trên 600.000 em có nguyện vọng vào đại học.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT cần kế thừa những điểm đã làm tốt, tiếp tục hoàn thiện hơn nữa những điểm còn hạn chế, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho thí sinh.
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã công bố quy chế thi, đề thi thử, cơ bản nhận được phản hồi tích cực của dư luận nhưng Phó Thủ tướng đề nghị bộ từ nay đến khi tổ chức thi, trên tinh thần cầu thị, tiếp tục rà soát những chi tiết nhỏ nhất để đảm bảo kỳ thi được tổ chức tốt, đặc biệt những gì liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của thí sinh tốt hơn.
Liên quan đến việc thí sinh đổi nguyện vọng nhiều lần sau khi biết kết quả thi là một ví dụ cho cải tiến tốt nhưng bộ cần tiếp tục xem xét các quy định sao cho thuận lợi nhất. Đơn cử như yêu cầu các thí sinh bảo lưu kết quả thi phải xin xác nhận từ nhà trường thì bộ phải xem lại hệ thống công nghệ thông tin, nếu có đầy đủ thông tin của thí sinh thì không cần xác nhận, chỉ những trường hợp không có trong hệ thống mới cần xin xác nhận, giảm thiểu các thủ tục nhiêu khê cho thí sinh.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT cần tiếp tục rà soát lại các quy định pháp luật về thanh tra, đảm bảo chương trình thanh tra, kiểm tra, giám sát linh hoạt theo đúng pháp luật, không quá nặng nề nhưng đảm bảo nghiêm túc.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Một trong những bài học thành công của kỳ thi năm 2020 là quy định rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT và các địa phương. Kỳ thi năm nay tiếp tục triển khai hướng như vậy, Bộ GD&ĐT tiếp tục chịu trách nhiệm toàn diện của kỳ thi.
Cụ thể là xây dựng, ban hành quy chế thi, hướng dẫn tổ chức thi, ra đề, tổ chức hệ thống chấm thi tập trung (chấm thi bằng máy toàn bộ phần thi trắc nghiệm và công cụ cần thiết giám sát chấm bài thi tự luận) sao cho đảm bảo công bằng, khách quan.
Gắn với việc tiếp tục giải pháp công khai điểm học bạ của các tỉnh, bộ phải có phân tích, đánh giá, tỉnh nào chênh lệch điểm thi và học bạ để có uốn nắn, chấn chỉnh việc nâng điểm học bạ, không đúng thực chất, năng lực của học sinh. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát rõ ràng.