PGS.TS. Tạ Thu Hằng đang công tác tại Đại học Griffith (Úc). Ngoài giảng dạy, chị còn chủ nhiệm phòng thí nghiệm (lab) nghiên cứu về ứng dụng của vật liệu nano trong điều trị, chẩn đoán các bệnh nguy hiểm như tim mạch. Chị cũng là thành viên lãnh đạo tương lai của Heart Foundation - một tổ chức chuyên về sức khỏe tim mạch của Úc.
|
PGS.TS. Tạ Thu Hằng hiện công tác tại Đại học Griffith (Úc)
|
Sinh ra trong gia đình có cả bố và mẹ đều làm nghề giáo, từ khi còn nhỏ, chị Hằng đã có ý thức học hành nghiêm túc.
“Thời trẻ, nhà nghèo, ba tôi từ một chàng trai ở vùng quê Quảng Ngãi quyết tâm lên Sài Gòn lập nghiệp. Ba giàu nghị lực và bản lĩnh nên đã tự xoay sở và sớm xây dựng được sự nghiệp. Đến năm 1998, ba làm Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP.HCM.
Còn mẹ tôi là giáo viên tiếng Anh. Cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, bà đều dạy cho anh em tôi từ những chữ cái đầu tiên. Ba mẹ tự gây dựng mọi thứ mà không nhờ đến bất kỳ sự hỗ trợ nào. Đến sau này, ba mẹ cũng dạy cho chúng tôi những điều như thế”, PGS.TS. Tạ Thu Hằng nhớ lại.
Tốt nghiệp với điểm GPA cao nhất chuyên ngành Hóa thực phẩm của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, PGS.TS. Tạ Thu Hằng đã được giữ lại làm giảng viên của trường.
Cũng như nhiều người trẻ khác luôn mong muốn được đi du học để mở mang kiến thức, PGS.TS. Tạ Thu Hằng quyết định sang Úc theo học thạc sĩ ngành Công nghệ sinh học tại Đại học Queensland. Học 1,5 năm tại đây, vì cảm thấy vẫn “chưa thỏa”, chị lại tiếp tục nộp đơn xin học bổng làm tiến sĩ ở Đại học Melbourne.
“3 năm học tiến sĩ, tôi nhận ra mình có mối quan tâm đặc biệt đến những ứng dụng y tế của công nghệ nano”, PGS.TS. Tạ Thu Hằng nói.
Vào năm 2008, chị hoàn thành việc học tiến sĩ với 6 bài báo khoa học là tác giả chính cùng 1 bằng sáng chế khoa học. Sau đó, chị làm việc tại Viện Tim mạch & Tiểu đường và Đại học Queensland trước khi chuyển đến công tác tới Đại học Griffith với chức danh Phó Giáo sư.
|
PGS.TS. Tạ Thu Hằng nhận giải thưởng về Thành tựu và Phát triển sự nghiệp. |
Hơn 2 năm trải qua một số dự án, PGS.TS. Tạ Thu Hằng xin được quỹ nghiên cứu của Hội đồng nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Úc. Đây cũng là thời điểm chị quyết định thành lập lab, tập trung nghiên cứu về ứng dụng của công nghệ nano trong điều trị, chẩn đoán bệnh tim mạch.
Nhóm của chị đã thiết kế và phát triển các cảm biến nano MRI thông minh, không chỉ giúp phát hiện mà còn cảm ứng và báo cáo giai đoạn hoặc sự tiến triển của bệnh tim mạch, chẳng hạn như huyết khối.
Việc phát hiện sớm và xác định chính xác đặc điểm của các bệnh đe dọa tính mạng như tim mạch và ung thư, theo PGS.TS Tạ Thu Hằng, là rất quan trọng trong việc chỉ định điều trị.
“Biết huyết khối trong mạch máu là mới hay đã hình thành từ lâu là rất quan trọng để bác sĩ quyết định phác đồ điều trị”.
Nỗ lực để lab không “chết yểu”
PGS.TS. Tạ Thu Hằng cho biết, các trường ĐH ở Úc luôn khuyến khích và sẵn sàng cung cấp địa điểm để giảng viên xây dựng phòng lab, miễn là xin được quỹ nghiên cứu và mua sắm được máy móc thiết bị.
Tuy nhiên, để xin được hỗ trợ là khá khó khăn, xác suất nhận được chưa đến 10%.
PGS.TS. Tạ Thu Hằng cho rằng, có một thực tế “phũ phàng”, là những trường xếp hạng càng cao, lab càng nổi tiếng thì càng nhận được nhiều tiền hỗ trợ làm dự án. Điều đó có nghĩa, với các lab mới thành lập, nếu dự án không dồi dào, thậm chí không xin được, sẽ “chết yểu” khi vừa mới “ra đời”.
Với nỗ lực không ngừng, lab của chị may mắn khi nhận được dự án liên tục.
“Muốn xin được kinh phí thì phải hội tụ nhiều thứ. Không phải mình chỉ biết đọc sách, vào lab làm thí nghiệm thì sẽ xin được tài trợ. Còn rất nhiều việc mình cần làm, ví dụ như tham gia hội nghị, hội thảo khoa học, tham gia giảng dạy, tham gia hoạt động trong các tổ chức khoa học, nhận xét các bài báo khoa học, tham gia Hội đồng biên tập tạp chí khoa học, …”.
Một khó khăn khác là các nghiên cứu sinh thường tìm kiếm những giáo sư có tên tuổi nên những lab mới rất khó tuyển người.
“Mới đầu, lab của tôi gần như không thể tìm được nghiên cứu sinh, chỉ có những sinh viên vừa tốt nghiệp hoặc người đang học thạc sĩ xin vào lab để làm một vài dự án nhỏ kéo dài khoảng 3 – 6 tháng”.
Những sinh viên này thường không có nhiều kinh nghiệm. Vì thế, có thời điểm, chị Hằng phải hướng dẫn tới 5 – 6 em làm thí nghiệm mỗi ngày. Thời gian hạn hẹp cùng những khó khăn khi không có nhiều tiền để mua hóa chất hay chạy máy móc, nữ phó giáo sư mô tả, thời điểm đó chị “phải rất chật vật để duy trì phòng lab”.
May mắn, qua vài dự án đã hoàn thành, một số nghiên cứu sinh biết tới, cảm thấy hứng thú nên đã xin được tới làm việc tại lab của PGS. TS. Tạ Thu Hằng.
“Những nghiên cứu sinh này nói biết tới các dự án của tôi qua website trường và cảm thấy những hướng nghiên cứu này rất mới mẻ, thú vị nên muốn tham gia. Kể từ đó, tôi bắt đầu chú ý đến việc xây dựng hình ảnh bằng việc giới thiệu các dự án mình đã làm lên website trường. Dần dần, nhiều sinh viên cũng đã tìm tới lab”.
Hiện tại, lab của vị phó giáo sư người Việt đang có 8 nghiên cứu sinh tiến sĩ và 1 nghiên cứu sinh sau tiến sĩ. Chị cũng đang tìm kiếm thêm người cho một dự án mới vừa xin được tài trợ năm nay.
Cần liên tục có ý tưởng mới
Làm khoa học, PGS.TS. Tạ Thu Hằng nói, bản thân đã phải đánh đổi rất nhiều.
|
Là phụ nữ làm khoa học, PGS.TS. Tạ Thu Hằng nói, bản thân đã phải đánh đổi rất nhiều. |
“Giai đoạn mới thành lập lab cũng là thời điểm tôi vừa sinh con xong, rất khó khăn để bắt nhịp lại với công việc, vì thế khi con được 10 tháng, tôi buộc phải đưa con đến nhà trẻ.
2 tháng liên tục con quấy khóc, không chịu ăn, ngày nào đón con về mình cũng thấy xót xa. Lúc đó tôi từng nghĩ, hay mình bỏ luôn, bỏ hết để ở nhà với con.
Phải mất một quãng thời gian dài sống trong cảm giác tội lỗi khi đặt lên bàn cân giữa con cái và sự nghiệp, tôi mới có thể quay lại với tiến độ của mình”.
Đến thời điểm hiện tại, khi con gái đã 7 tuổi, PGS.TS Tạ Thu Hằng vẫn bận rộn với công việc nghiên cứu và giảng dạy. Sức nghiên cứu của chị cũng khá dồi dào khi có tới 1.800 trích dẫn khoa học.
PGS.TS. Tạ Thu Hằng cũng giành được một số giải thưởng danh giá và 3,9 triệu AUD (hơn 3 triệu USD) từ các quỹ tài trợ nghiên cứu. Đây là con số không nhỏ đối với một nhà khoa học nữ.
Chị Hằng cho rằng, để tìm kiếm được những dự án mới cần liên tục có ý tưởng mới.
Để có ý tưởng mới, cần phải chăm chỉ đọc các bài báo khoa học để biết hiện nay trên thế giới, về lĩnh vực đó người ta đã làm được gì rồi và còn gì chưa làm được, từ đó mới nảy sinh ra ý tưởng. Đôi khi, những suy nghĩ ấy phải vượt ra khỏi khuôn khổ để sáng tạo.
Bên cạnh đó, khi làm nghiên cứu, đôi khi kết quả không như bản thân kỳ vọng. Trên con đường ấy, bản thân nhà khoa học phải có cái đầu tỉnh táo để nhìn ra những cơ hội.
“Những khi không nghĩ ra được hướng đi mới, tôi lại đọc báo. Không chỉ đọc trong lĩnh vực mình đang nghiên cứu, tôi đọc cả những lĩnh vực khác liên quan. Một số dự án tôi đã tạo ra ý tưởng từ cách thức này, đó là tích hợp kiến thức liên ngành và từ đó tạo ra được một ý tưởng ứng dụng được trong lĩnh vực mình đang làm”, PGS. TS Tạ Thu Hằng nói.