Sau canh bạc lịch sử công khai ủng hộ ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, Elon Musk đang được ví là “kẻ tạo Vua”. Không một lãnh đạo doanh nghiệp nào dốc sức ủng hộ nỗ lực tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ thứ 45 hơn Musk.
Tỷ phú công nghệ đã đặt cược lớn, dấn thân rất sâu vào cuộc bầu cử lần này. Và "cú bắt tay" lịch sử với ông Trump đã giúp Elon Musk thành công ghi điểm chính trị cho bản thân mình.
Nếu trong năm 2022, Musk từng thẳng thừng nhận định, ông Trump nên “về vườn an dưỡng” vì đã quá già để trở thành Tổng thống, thì giờ đây, tỷ phú công nghệ có màn xoay chuyển 180 độ khi công khai ủng hộ chiến dịch tranh cử của ứng viên Đảng Cộng hòa.
Thường xuyên xuất hiện cùng ông Trump tại các cuộc vận động tranh cử, Elon Musk xuất sắc quyên góp gần 119 triệu USD cho siêu Ủy ban hành động chính trị (siêu PAC) do ông thành lập để hỗ trợ cựu Tổng thống.
Tỷ phú công nghệ luôn ngồi cạnh ông Trump, cùng nhau hồi hộp chờ đợi kết quả đêm bầu cử. Mọi thứ vỡ òa khi cựu Tổng thống Mỹ chiến thắng đầy thuyết phục. "Người dân Mỹ đã trao cho Donald Trump một nhiệm vụ rõ ràng sau những thay đổi vào tối nay", tỷ phú công nghệ lập tức đăng dòng tweet ăn mừng trên mạng xã hội - động thái hào hứng này một lần nữa khẳng định ông là người ủng hộ tuyệt đối cho vị chủ nhân mới của Nhà Trắng.
Điều này cũng thể hiện rõ tham vọng của Musk trong việc vươn tầm ảnh hưởng tới “địa hạt” chính trị, biến ông thành “kẻ tạo Vua” trong thời đại số.
Chuyên gia Steve Nelson, nhà khoa học chính trị tại Đại học Tây Bắc Mỹ nhận định, với tầng lớp siêu giàu, khi tài sản không còn là mối bận tâm lớn, họ sẽ có xu hướng nhắm vào chính trị. Điều này quả đúng với Elon Musk.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng đánh giá, thứ mà Elon Musk thực sự mong muốn, chính là tạo ảnh hưởng chính sách thông qua mối quan hệ đặc biệt với ông Donald Trump - người tới đây sẽ trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
"Với người như Musk, có lẽ có mối quan tâm cá nhân mạnh mẽ đối với việc theo đuổi những chính sách nhất định bằng tác động gián tiếp. Ông ta tìm kiếm một vị thế chính trị để có thể thúc đẩy tốt hơn các mục tiêu của mình, thay vì phải phụ thuộc vào người khác", học giả Steve Nelson khẳng định.
Là người thân cận với ông Trump, tỷ phú Musk được cho là có tiếng nói quan trọng trong việc lựa chọn nhân sự vào nội các mới. Không để tỷ phú công nghệ phải chờ đợi lâu, ngày 12/11, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chính thức lựa chọn Elon Musk và cựu ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy làm lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) trong chính quyền mới.
Theo ông Trump, Bộ này sẽ có nhiệm vụ xóa bỏ tệ quan liêu trong bộ máy của Chính phủ, cắt giảm các quy định không cần thiết, các khoản chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang. Tính toán này từng được ông Trump chia sẻ với Đài Fox News: “Ông Elon Musk là một doanh nhân tuyệt vời, đồng thời cũng là bậc thầy trong việc cắt giảm chi phí”.
Thậm chí giới quan sát còn dự đoán, sự ủng hộ dành cho Tổng thống đắc cử Donald Trump trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới có thể chưa đủ so với tầm nhìn dài hạn của Musk. Với tham vọng mạnh mẽ và tính cách khác biệt của mình, tỷ phú này có lẽ sẽ tiếp tục ủng hộ một ứng viên Tổng thống Mỹ vào năm 2028, để “đế chế” của mình vươn xa hơn nữa.
Thời gian qua, Elon Musk cũng không ngừng gia tăng quyền kiểm soát của mình trong lĩnh vực truyền thông số. Vụ thâu tóm Twitter và đổi tên thành X vào năm 2022 đâu chỉ đơn thuần là một thương vụ tài chính, mà còn cho thấy tham vọng của Musk trong việc ảnh hưởng tới luồng thông tin và cách mà công chúng tiếp cận nó.
Sự hiện diện mạnh mẽ của Musk trên X đã giúp tỷ phú này có thêm một kênh truyền thông cá nhân, nơi ông có thể giao tiếp trực tiếp với công chúng, tạo ra các xu hướng và thậm chí ảnh hưởng đến thị trường tài chính.
Giới quan sát nhận định, chính khả năng tạo tiếng vang truyền thông và định hướng dư luận trên các nền tảng xã hội như X của Musk thời gian qua đã mang lại giá trị cho chiến dịch tranh cử của ông Trump. Động thái táo bạo của tỷ phú Elon Musk đã thực sự tạo thêm mối quan hệ phức tạp giữa tiền bạc, quyền lực và tầm ảnh hưởng trong chính trị Mỹ. Cũng chính sự ủng hộ nhiệt thành mà ông dành cho cựu Tổng thống Trump và nguồn tài trợ khủng đã tạo bệ phóng đẩy Musk có bước tiến dài, trở thành người đi đầu về truyền thông chính trị đương đại.
Musk cũng từng được đồn đoán quan tâm đến các kênh truyền thông lớn khác, như CNN, nhằm mở rộng quyền lực của mình trong lĩnh vực này. Với nền tảng X và những phát ngôn của mình, Musk có khả năng lan tỏa các thông điệp đến hàng triệu người.
Sự hiện diện của ông trên mạng xã hội không chỉ ảnh hưởng đến việc đầu tư, kinh tế mà còn cả những ý tưởng và xu hướng xã hội. Khả năng này của Musk đã khiến ông trở thành một trong những nhân vật có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong thời đại số.
Theo giới quan sát, “dị nhân” Elon Musk còn là người tiên phong trong lĩnh vực năng lượng bền vững. Trong đó, Tesla chính là biểu tượng của công nghệ xanh. Đây không chỉ là một công ty sản xuất ô tô điện mà còn dẫn đầu trong công nghệ lưu trữ năng lượng và năng lượng mặt trời.
Điều này giúp Musk xây dựng một nền tảng năng lượng bền vững, đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghệ xanh và giải quyết các vấn đề về môi trường.
Gần đây, Musk tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng của mình bằng việc giới thiệu xe tự lái Cybercar, robot hình người mang tên Autobot. Ngoài ra, tin đồn Tesla có ý định ra mắt một chiếc mô tô điện có giá 1.000 USD cũng thu hút sự chú ý của cả giới trẻ và những người quan tâm đến môi trường.
Thông qua Tesla, Musk không chỉ nhắm đến lợi nhuận mà còn tỏ rõ tham vọng mong muốn chuyển đổi toàn bộ ngành năng lượng. Đây là một phần trong tầm nhìn xa rộng của Musk về tương lai, nơi các nguồn năng lượng tái tạo sẽ thay thế nhiên liệu hóa thạch, mang lại lợi ích bền vững cho toàn nhân loại.
Trong tất cả các dự án của Musk, đưa nhân loại lên sao Hỏa là tham vọng lớn nhất. Với SpaceX, Musk đã có những bước tiến lớn trong công nghệ vũ trụ, bao gồm các tàu vũ trụ có thể tái sử dụng và các hợp đồng quan trọng với NASA.
Musk đã nhiều lần nhấn mạnh mong muốn biến sao Hỏa thành nơi định cư thứ hai của nhân loại, mở ra một chương mới cho lịch sử loài người. Musk từng nói rằng ông muốn “chết trên sao Hỏa, nhưng không phải vì cú đâm”, một cách thể hiện ước nguyện cá nhân nhưng cũng đầy tham vọng về việc nhân loại sẽ sớm trở thành một “loài đa hành tinh”.
Dự án Starship của SpaceX là một minh chứng rõ ràng cho mục tiêu “vĩ đại” này, khi Musk muốn tạo ra một con tàu có khả năng chở hàng ngàn người lên sao Hỏa, biến giấc mơ định cư trên hành tinh Đỏ thành hiện thực. Bàn về tham vọng không gian của Musk, ông Trump từng chia sẻ với giới truyền thông: "Ông ấy (Elon Musk) đã hứa với tôi sẽ đưa con người lên sao Hỏa trước khi nhiệm kỳ của tôi kết thúc". Biết đâu đấy, dưới thời Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, Musk sẽ thực sự có cơ hội biến ước mơ vốn tưởng viển vông này thành hiện thực...
Trên thực tế, những dự án của Elon Musk từ xe điện Tesla, năng lượng Mặt trời, đến tham vọng đưa con người lên sao Hỏa không chỉ là các thành tựu kỹ thuật vĩ đại mà còn đang mang đến hình ảnh của một nước Mỹ đổi mới và dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực.
Trong khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra phương châm "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" với tầm nhìn về một nước Mỹ mạnh mẽ, độc lập và đứng đầu toàn cầu, thì Elon Musk đã hiện thực hóa một phần quan trọng của mục tiêu đó qua sự đổi mới trong công nghệ và năng lượng bền vững, cùng tham vọng biến Mỹ thành đầu tàu trong cuộc chinh phục vũ trụ. Những gì Musk đang làm không chỉ thúc đẩy vị thế công nghệ của Mỹ mà còn khẳng định sức mạnh của đất nước này trong thời đại số.
Có thể nói, những tham vọng của tỷ phú Musk và phương châm của ông Trump cùng hòa quyện, khi cả hai đều chia sẻ tầm nhìn về một nước Mỹ vĩ đại với sức ảnh hưởng sâu rộng. Một nước Mỹ đứng đầu trong công nghệ xanh, trong công cuộc khám phá không gian, và trong cả những tiến bộ vượt bậc về trí tuệ nhân tạo sẽ là hình ảnh của quốc gia không ngừng vươn lên, sẵn sàng chinh phục những giới hạn mới. Như vậy, Elon Musk – "kẻ tạo Vua" thời đại số – bằng cách này hay cách khác, đang góp phần hiện thực hóa giấc mơ lớn lao cho nước Mỹ.