VUSTA nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường

Google News

Ngày 21/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo Nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường cho các hội thành viên thuộc hệ thống VUSTA.

Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng Ban Truyền thông và phổ biến kiến thức (VUSTA) cho biết, vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự, chiến lược, kế hoạch phát triển của các quốc gia. Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp giải quyết các vấn đề môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Luật Bảo vệ môi trường số 17/2020/QH14 được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực từ 1/1/2022 quy định về truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường.
Các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và truyền thông, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên. Hiện có hàng chục hội và tổ chức khoa học công nghệ đang hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến môi trường.
Phát biểu tại hội thảo, GS, TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho biết, hiện nay, VUSTA có 63 liên hiệp hội địa phương, 86 hội chuyên ngành cùng hơn 400 tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc với khoảng nửa triệu thành viên.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các hội thành viên của VUSTA có các vai trò cơ bản như vận động các thành viên của mình thực hiện các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ môi trường; xây dựng chủ trương, chính sách, kế hoạch và các quy định về bảo vệ môi trường. Tham gia hoạt động tư vấn, phản biện xã hội, giám sát, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường…
VUSTA nang cao kien thuc ve bao ve moi truong
VUSTA tổ chức hội thảo nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường. 
Bà Phạm Thị My, Tổng biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường chỉ ra các điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2022, đó là: Cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính. Đã định chế nội dung sức khỏe môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, nước. Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam…
Các chuyên gia đề xuất, thời gian tới, VUSTA cần tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về bảo vệ thiên nhiên và môi trường trong nhân dân. Vận động nhân dân thực hiện đúng luật pháp, tích cực đóng góp công sức cho các hoạt động bảo vệ môi trường và xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ môi trường. Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đấu tranh chống mọi hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

>>> Mời độc giả xem thêm video G7 ủng hộ các mục tiêu bảo vệ môi trường (Nguồn: THĐT)


Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)