Phải sớm thể chế tính chất chính trị - xã hội của VUSTA

Google News

"Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác trí thức và xuất phát từ tình hình thực tế, đòi hỏi Nhà nước phải sớm thể chế tính chất chính trị - xã hội của VUSTA theo tinh thần Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị bằng việc chỉ cần ban hành một Nghị định" - ông Lê Quang Thích, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Quảng Ngãi.

Báo Tri thức và Cuộc sống xin trân trọng giới thiệu nội dung tham luận của ông Lê Quang Thích - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Quảng Ngãi tại Hội nghị Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức vào ngày 15/9 tới.
VUSTA ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách xây dựng phát triển đội ngũ trí thức, đã có nhiều giải thưởng quốc gia, giải thưởng ngành, lĩnh vực để phong tặng các danh hiệu cao quý cho trí thức; cùng với việc đổi mới cơ chế quản lý đã góp phần phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng đất nước. Trên thực tế, đội ngũ trí thức đã thể hiện vai trò nòng cốt, tạo ra những sản phẩm có giá trị trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xây dựng Đảng; đội ngũ trí thức đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường củng cố khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và trí thức, trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức ở nước ta trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của trí thức và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới. Đối với đội ngũ trí thức thuộc hệ thống tổ chức VUSTA ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Thông qua việc tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của VUSTA, đội ngũ trí tức đã có môi trường làm việc, cống hiến trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật; đã kiến nghị đề xuất với Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn mang tính chủ trương, chính sách, tham gia góp ý những đề án, dự án quan trọng về kinh tế xã hội. Qua đó đội ngũ trí thức được giáo dục, rèn luyện, trưởng thành, lớn mạnh, nâng cao nhận thức chính trị- xã hội, đoàn kết chung sức, chung lòng, hăng hái tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phai som the che tinh chat chinh tri - xa hoi cua VUSTA
ông Lê Quang Thích, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Quảng Ngãi.
Ngay từ những ngày đầu thành lập (1983), trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng VUSTA được Đảng và Nhà nước rất quan tâm từ tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí, điều kiện hoạt động. Thấy rõ vai trò tầm quan trọng của Liên hiệp Hội nên Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 45/-CT/TW ngày 11/11/1998 (sau 15 năm) xác định VUSTA là một tổ chức chính trị-xã hội của đội ngũ trí thức. Đến Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị (sau gần 27 năm) đặt ra mục tiêu xây dựng VUSTA đến năm 2020 trở thành tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh, giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN.
Gần đây, Ban Bí thư có Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 khẳng định tiếp tục thực hiện Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, về mặt Nhà nước chưa thể chế hóa tính chất chính trị-xã hội của VUSTA theo tinh thần Chỉ thị của Bộ Chính trị bằng những quy định pháp lý. Dẫn đến, có rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của VUSTA, nhất là việc tập hợp, đoàn kết rộng rãi, phát huy sức sáng tạo và xây dựng đội ngũ trí thức.
Do đó, cần sớm có một chiến lược cơ bản, những cơ chế chính sách thiết thực, hiệu quả, đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ trí thức tinh hoa của dân tộc - thực sự là nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của đất nước trong chiến lược phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Một số giải pháp cơ bản
Để phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xin đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:
1. Tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó tập trung các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là: Hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức bằng việc ban hành quy chế dân chủ, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ; Thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức nhằm tập hợp, đoàn kết rộng rãi và phát huy tí tuệ của đội ngũ trí thức Việt Nam ở trong nước và nước ngoài tham gia xây dựng đất nước; Tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức; Ðề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội của trí thức, trong đó có tổ chức VUSTA; Nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Ðảng đối với đội ngũ trí thức.
2. Vấn đề cơ bản là phải xây dựng đội ngũ trí thức vừa hồng vừa chuyên, cả về đức - trí - thể - mỹ đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng ở đây là sự bao gồm trình độ học vấn chuyên môn, năng lực lao động sáng tạo và sự chín muồi về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức cách mạng. Muốn vậy phải tiếp tục đổi mới công tác giáo dục - đào tạo, công tác khoa học và công nghệ và làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để trí thức có kiến thức hiểu biết về chuyên môn và nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng.
3. Có chính sách tạo động lực vật chất và động lực tinh thần để phát huy tiềm năng trí thức. Điều này liên quan đến chính sách tiền lương, thu nhập, tiền thưởng, phụ cấp, trả công hợp lý theo năng lực và hiệu quả sáng tạo của trí thức cùng với sự khơi dậy trong tâm người trí thức lòng yêu nước, yêu thương đồng bào một cách mãnh liệt, ý thức trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước, tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc, tính tích cực chính trị - xã hội với niềm tự hào và khát vọng sáng tạo cống hiến cho Tổ quốc.
4. Tiến hành rà soát, sắp xếp, bố trí đúng người đúng việc, nhất là những công chức, viên chức, người lao động làm việc trong những ngành, lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu như giáo dục, y tế, xây dựng, giao thông, nông – lâm - ngư, công nghệ thông tin… Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng làm không đúng chuyên môn, sở trường ở những vị trí việc làm đòi hỏi chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, tăng tính hiệu quả, tránh lãng phí trong việc sử dụng chất xám.
5. Công tác nhận xét đánh giá đội ngũ trí thức phải thật sự chuẩn xác; lấy phẩm chất, năng lực và sự cống hiến của trí thức làm thước đo; không thiên lệch định kiến với những cách biểu hiện bày tỏ thái độ bề ngoài “hơi ngông” hoặc những lời lẽ trông có vẻ “thiếu khiêm tốn” khi trí thức góp ý, tư vấn, phản biện để quy chụp phủ nhận tài năng và bản chất tốt của trí thức.
6. Trong giai đoạn hiện nay cần có chủ trương đi liền với các chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức trong các hợp tác xã, doanh nghiệp, những doanh nhân, những nhà quản trị giỏi; những trí thức là kỹ sư, chuyên gia trực tiếp lao động sản xuất kinh doanh; chính sách đào tạo những trí thức trẻ là con em nông dân và con em đồng bào dân tộc thiểu số.
7. Tiếp tục thực hiện và điều chỉnh bổ sung cơ chế chính sách đào tạo nhân tài, nhất là tuyển chọn những em học sinh phổ thông xuất sắc để đưa đi đào tạo ở những trường, viện có chất lượng trong nước và trên thế giới nhằm tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho tương lai đất nước.
8. Có chủ trương và cơ chế, chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước. Có khoảng nửa triệu trí thức Việt kiều (trong đó trên 6.000 tiến sĩ với nhiều nhà khoa học giỏi nổi tiếng) trên tổng số hơn bốn triệu người Việt Nam đang sinh sống ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng 15.000 trí thức Việt kiều tại Hoa Kỳ, 40.000 trí thức tại Pháp, 20.000 trí thức tại Ca-na-đa, 4.000 trí thức tại Đông Âu và Liên bang Nga, 7.000 trí thức tại Ô-xtrây-li-a... Đây là nguồn nhân lực quan trọng quý giá, rất cần được tập hợp, phát huy và tạo điều kiện để họ góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
9. Tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, nhất là nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và việc chăm lo xây dựng đội ngũ trí thức bằng những việc làm cụ thể nhằm phát huy một cách tốt nhất sức lực, trí tuệ của đội ngũ trí thức với tư cách là nguồn nhân lực chất lượng cao, là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức.
10. Đối với bản thân đội ngũ trí thức không ngừng nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức nghề nghiệp. Không ngừng học hỏi, tìm tòi, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để có tầm nhìn, có khả năng cảnh báo sớm và năng lực phản biện xã hội đối với những vấn đề Đảng, Nhà nước, Nhân dân yêu cầu và rộng hơn nữa, về tất cả các vấn đề liên quan đến cuộc sống của xã hội, từ đó đề xuất cách giải quyết tốt nhất những vấn đề được đặt ra. Trí thức ngày nay phải phấn đấu để trở thành là những người dẫn dắt, những người định hướng, mở lối đi mới, luôn sáng tạo, khám phá ra tri thức mới và đem kiến thức, tri thức mới của mình áp dụng vào thực tiễn để phục vụ cho mọi người trong xã hội; Trí thức phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất, bản lĩnh chính trị, có tấm lòng yêu nước, thương dân, có chí khí và hoài bão, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
11. Trước khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, đòi hỏi Đảng và Nhà nước xác định vai trò mang tính quyết định của mình trong việc xây dựng đội ngũ trí thức. Trước hết, Đảng phải có những quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ giải pháp đột phá mới để phát triển nhanh và nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Trong đó có nội hàm phát triển trí thức từ sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với trí thức cả về nhận thức, tư tưởng đến phương pháp xây dựng đội ngũ trí thức. Do đó, cần nghiên cứu kỷ để tiến tới việc ban hành một Nghị quyết của Ban chấp hành trung ương Đảng về xây dựng phát triển đội ngũ trí thức trong tình hình mới thay cho Nghị quyết số 27-NQ/TW "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" đã triển khai thực hiện gần 13 năm qua.
Đối với trí thức là Hội viên của VUSTA
Tính đến thời điểm cuối năm 2020, VUSTA đã tập hợp trên 3,7 triệu trí thức khoa học và công nghệ, chiếm 32,5% đội ngũ trí thức cả nước. Đây là con số khá ấn tượng. Trí thức trong xã hội ngày càng dồi dào, phong phú, bao gồm trí thức đang làm việc trong các tổ chức thuộc hệ thống chính trị, các hội quần chúng, các đơn vị sự nghiệp khoa học, giáo dục ngoài công lập, các doanh nghiệp, hợp tác xã; lực lượng trí thức nghỉ hưu...
Trí thức sinh hoạt trong hệ thống tổ chức VUSTA với số đông là những trí thức đã nghỉ hưu, có kiến thức cao, am hiểu sâu, có bản lĩnh chính trị và bề dày kinh nghiệm, có uy tín trong khoa học và công nghệ, tâm huyết, trách nhiệm, có nhiều thời gian để tập trung nghiên cứu kỷ một lĩnh vực, hoặc một công việc đang theo dõi. Nguồn bổ sung lực lượng trí thức này ngày càng nhiều, phong phú và đa dạng, xem như một nguồn lực quý giá vô tận của đất nước, dân tộc.
Tâm lý chung của trí thức khi nghỉ hưu là mong muốn được cung cấp nhiều thông tin chính thống, có môi trường để tiếp tục nghiên cứu làm việc; muốn được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện để liên tục cống hiến, phục vụ cho đất nước, cho nhân dân.
Đối với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Quảng Ngãi là một tổ chức chính trị-xã hội của trên 22.000 trí thức, chiếm 45% lực lượng trí thức KH&CN trong toàn tỉnh. Liên hiệp Hội tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều hoạt động tích cực, toàn diện trên các mặt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kiểm tra, giám sát, dân vận, nội chính, TVPB và GĐXH, thông tin phổ biến kiến thức, nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, tổ chức hội thi, cuộc thi sáng tạo KHKT. Nổi bậc nhất là trong công tác tư vấn, phản biện xã hội; hàng năm tham gia góp ý, TVPB khoảng 30 loại chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án của tỉnh. Trong đó, tham gia góp ý Văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về nguồn lực, kết cấu hạ tầng, miền núi, văn hóa, cải cách hành chính, du lịch…; góp ý TVPB các quy hoạch, đề án, dự án đầu tư lớn của tỉnh. Những nội dung góp ý, TVPB của Liên hiệp Hội được lãnh đạo tỉnh hoan nghênh, ghi nhận và chỉ đạo cho các cơ quan chức năng sử dụng nhiều ý kiến, nội dung để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo.
Qua đó cho thấy, đội ngũ trí thức đã và đang đặt hy vọng nhiều ở Liên hiệp Hội với kỳ vọng tổ chức này thật sự là một tổ chức chính trị - xã hội của họ, là hạt nhân tập hợp, đoàn kết, xây dựng, phát huy trí thức tham gia tích cực hiệu quả trong xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vấn đề đặt ra là giải pháp nào để VUSTA có thể tập hợp, đoàn kết rộng rãi, xây dựng và phát huy đúng mức vai trò của đội ngũ trí thức
Ngoài những giải pháp mang tính chất cơ bản quan trọng nêu trên, đối với VUSTA giải pháp hàng đầu mang tính quyết định chính là sự thể chế hóa của Nhà nước bằng những quy định, cơ chế chính sách một cách rõ ràng về tính chất chính trị-xã hội của VUSTA đã được Bộ Chính trị khẳng định trong Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16/4/2010 và xác lập mô hình tổ chức bộ máy tương ứng với vị trí chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một tổ chức chính trị-xã hội.
Thực tế cho thấy, mặc dù có rất nhiều văn bản của Đảng xác định tính chất chính trị - xã hội của VUSTA, nhưng về mặt nhà nước thì VUSTA được coi là hội đặc thù và áp dụng các chế độ, chính sách cũng như xác lập nhiệm vụ như một số tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội -nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội. Điều này rất bất cập và làm hạn chế vai trò, chức năng của VUSTA.
Ở địa phương chúng tôi nhận thấy: Liên hiệp Hội và đội ngũ trí thức có khả năng làm được nhiều việc hơn nữa cho Đảng và Chính quyền, nhưng do thiếu cơ chế chính sách, mặc khác lại có những cơ chế chính sách không phù hợp làm kiềm hãm sự năng động, sức sáng tạo, nhiệt tình, khát vọng cống hiến của Liên hiệp Hội và đội ngũ trí thức ở địa phương theo tinh thần Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị.
Xin đơn cử, Đảng đoàn Liên hiệp Hội địa phương là tổ chức đảng do Tỉnh ủy quyết định thành lập, chịu sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy; thực hiện chức năng lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra đối với Liên hiệp Hội trong việc thực hiện cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ VUSTA…Nhưng về phía Nhà nước chưa thể chế hóa nhiệm vụ này trong Luật hoặc Nghị định nên Liên hiệp Hội không có kinh phí và con người thực hiện.
Xin minh họa một nhiệm vụ quan trọng của VUSTA: đó là công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ trí thức theo Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị nhưng về mặt nhà nước không thể chế hóa thành nhiệm vụ cụ thể rõ ràng. Đây là một trong những nhiệm vụ rất khó nhưng rất quan trọng đối với VUSTA. Tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ này là góp phần xây dựng đội ngũ trí thức nâng cao nhận thức, bản lĩnh, phẩm chất chính trị, đạo đức; thấy được trách nhiệm, vinh dự, bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, tham gia tích cực, đóng góp cống hiến cho sự phát triển của đất nước.
Tương tự, công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; công tác nội chính mà chủ yếu là phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong hệ thống tổ chức VUSTA; công tác dân vận mà trọng tâm là vận động hội viên, Nhân dân tham gia ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, tham gia phong trào sáng tạo trong hoạt động khoa học công nghệ cũng không có hành lang pháp lý để thực hiện. Và một số nhiệm vụ khác.
Một khi chưa có hành lang pháp lý của Nhà nước thể chế hóa chủ trương của Đảng thì VUSTA có xây dựng kế hoạch hay cho mấy, hoặc đề xuất, kiến nghị hợp tình hợp lẽ cho mấy cũng đều bị các cơ quan chức năng của Nhà nước từ chối vì lý do không có trong quy định của nhà nước.
Thực trạng hiện nay, trong phạm vi cả nước, tổ chức bộ máy của các Liên hiệp Hội địa phương “muôn màu muôn vẻ, trăm hoa đua nở”. Địa phương nào thấy tổ chức Liên hiệp Hội quan trọng thì giao định biên nhiều (15 hoặc trên 15 người), địa phương nào ít quan tâm thì giao định biên ít (thậm chí có Liên hiệp Hội địa phương chỉ có vài ba định biên chuyên trách hoặc hoàn toàn là cán bộ của các sở, ban ngành kiêm nhiệm). Về bộ máy cũng vậy: có Liên hiệp Hội địa phương đủ Văn phòng và 02 ban chuyên môn, có địa phương chỉ có 01 văn phòng. Tương tự về kinh phí hoạt động cũng vậy; nhiều địa phương thực hiện hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Liên hiệp Hội và việc hỗ trợ không theo định mức như các tổ chức chính trị - xã hội khác; một số Liên hiệp Hội hoạt động dựa vào sự hỗ trợ kinh phí từ sở Khoa học và Công nghệ.
Đối với những người đang làm việc trong cơ quan Liên hiệp Hội không được xem là công chức hay viên chức, mặc dù cũng đã được tuyển dụng hoặc vốn là công chức, viên chức được điều động về Liên hiệp Hội; nhưng khi xếp ngạch, nâng lương, bổ nhiệm thì lại căn cứ các quy định của Nhà nước áp dụng đối với công chức, viên chức để thực hiện . Cơ chế tuyển dụng cán bộ đối với Liên hiệp Hội không rõ, mỗi lần địa phương có kế hoạch tổ chức thi tuyển công chức, viên chức toàn tỉnh, nhưng Liên hiệp Hội không nằm trong kế hoạch chung của tỉnh. Ở nhiều địa phương, khi phân bổ nhân lực làm việc cho Liên hiệp Hội, không dùng cụm từ “giao biên chế” mà là “giao số người làm việc”; không được quan tâm thông báo cho đi học các lớp bồi dưỡng quản lý, không thông tin cho dự thi xếp ngạch, nhưng khi bổ nhiệm, bầu cử các chức danh lãnh đạo thì yêu cầu phải đủ các tiêu chuẩn của Nhà nước quy định. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội địa phương, đồng thời là Bí thư Đảng đoàn, Phó Bí thư Đảng đoàn, là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhưng không làm được hộ chiếu công vụ như lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội hoặc các sở, ban ngành khác (chỉ làm được hộ chiếu phổ thông)…Tất cả những điều này, vô hình chung tạo ra sự phân biệt đối xử; khiến cho những cán bộ, công chức, viên chức bên ngoài không muốn về làm việc ở Liên hiệp Hội và những người đang làm việc tại Liên hiệp Hội lại thiếu an tâm công tác.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác trí thức và xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, đòi hỏi Nhà nước phải sớm thể chế tính chất chính trị - xã hội của VUSTA theo tinh thần Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị bằng việc chỉ cần ban hành một Nghị định. Có được điều này, chắc chắn VUSTA sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao phó: đó là, sẽ làm tốt việc tập hợp, đoàn kết, xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu hợp lý, tiến nhanh lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Đây được xem là một nhiệm vụ trọng yếu và là một yêu cầu đòi hỏi mang tính cấp thiết nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Hơn nữa, thông qua việc tập hợp ngày càng rộng rãi lực lượng trí thức trong nước và ngoài nước, VUSTA là cầu nối - kênh thông tin giúp Đảng và Nhà nước tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giúp đội ngũ trí thức có thông tin chính thống, hiểu biết và nhận thức đúng đắn, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước.
Cũng thông qua việc tập hợp, đoàn kết, xây dựng đội ngũ trí thức, VUSTA ngày càng phát huy vai trò của trí thức tham gia góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước, tạo sự gắn bó vững chắc giữa Ðảng và Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Ðảng và Nhà nước; từ đó, trí thức đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công nhân với nông dân và trí thức; đồng thời giúp trí thức có cơ hội, môi trường tham gia nhiều hoạt đông chuyên môn, các phong trào cách mạng, hăng hái nhiệt tình đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: VUSTA gặp gỡ cơ quan báo chí trong hệ thống

Nguồn: Kinh tế Tập đoàn


PV

>> xem thêm

Bình luận(0)