Nga muốn tiêu hủy kho đạn “khổng lồ” 12,3 triệu quả

Google News

(Kiến Thức) - Bộ Quốc phòng Nga đang tìm kiếm nhà thầu để xử lý tiêu hủy 12,3 triệu quả đạn pháo, đạn tên lửa.

Tờ Izvestia đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga đang tìm kiếm nhà thầu để xử lý 12,3 triệu quả đạn pháo trong 3 năm tới với tổng giá trị gói thầu hơn 1,5 tỷ Rub. Tất cả đạn pháo sẽ được tiêu huỷ bằng phương pháp công nghiệp vì từ năm 2012 quân đội đã từ bỏ phá nổ.
Các chuyên gia lo ngại, do tình trạng đạn dược rất kém nên có nguy cơ lớn lặp lại các vụ nổ như ở gần Samara vào tháng 6.
Phó trưởng Uỷ ban của Duma quốc gia về công nghiệp Vladimir Gutenev nhận xét: “Một lượng lớn đạn dược được giữ dưới dạng không phù hợp, hòm đạn bị hỏng, các thùng chứa đạn bị mục nát. Và dù không thể không ghi nhận những nỗ lực mà Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu mới đưa ra, trong 1-1,5 năm tới vẫn có nguy cơ xảy ra sự cố khẩn cấp, và bộ quốc phòng không phủ nhận điều này”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp về xử lý đạn dược hồi tháng 6 cũng đã tuyên bố rằng, các nỗ lực được áp dụng trong lĩnh vực đảm bảo an ninh và tuân thủ công nghệ tiêu huỷ đạn dược hiện chưa đủ.
Theo Gutenev, một trong các biện pháp nâng cao an toàn xử lý có thể là huấn luyện bổ sung sĩ quan và quân nhân hợp đồng, cũng như robot hoá quá trình xử lý.
Để không xảy ra việc nổ kho đạn trong thời gian vừa qua, Nga đang xúc tiến tiêu hủy đạn pháo cũ.
Đại diện Tổng cục Pháo binh - Tên lửa (GRAU) cho biết, 10 triệu quả đạn và 50.000 tên lửa là khoảng một phần ba khối lượng đạn dược đã cũ mà bộ quốc phòng có kế hoạch tiêu huỷ.
“Hiện chúng tôi sẽ tiến hành đợt đấu thầu lớn đầu tiên để tiêu huỷ 10 triệu đạn pháo. Số này bao gồm những quả đạn không thể dùng lại được nữa, chỉ có thể tháo chúng thành từng phần và sử dụng như kim loại phế thải và nguyên liệu cho thuốc phóng, thuốc nổ. Sau đó hàng năm chúng tôi sẽ ký hợp đồng xử lý thêm gần 2 triệu quả, số này có thể lắp ngòi nổ mới và sử dụng lại”, đại diện GRAU nói.
Ông này cho biết thêm, số lượng xử lý được xác định căn cứ vào năng lực của các nhà máy quốc phòng của Nga đáp ứng nhiệm vụ. Đại diện Bộ Quốc phòng Nga cũng giải thích, 2 năm gần đây đã phá nổ “nhiều hơn nhiều lần”.
“Về tốc độ tiêu huỷ thì phương pháp phá nổ hiệu quả hơn. Hơn nữa vấn đề các xí nghiệp liệu có tìm được cách sử dụng kim loại đen và mầu thu được sau khi xử lý vẫn còn bỏ ngỏ. Theo chúng tôi được biết, nhu cầu đối với chúng không rõ lắm, hơn nữa độ sạch của hợp kim thân quả đạn và tên lửa không phải lúc nào cũng đáp ứng đòi hỏi của các nhà luyện kim”, đại diện GRAU nói thêm.
Trong số đạn dược phải xử lý gồm có: đạn pháo nổ phá mảnh, đạn cháy và xuyên giáp cỡ 23, 57, 76, 100, 115, 122, 125, 130 và 152 mm; đạn phản lực cỡ 220 mm; lựu đạn cầm tay F-1; đạn tên lửa phòng không tầm thấp Igla; đạn tên lửa phòng không tầm trung Kub; đạn phản lực súng chống tăng RPG-7; đạn tên lửa chống tăng Fagot, Konkurs, Metis và đạn tên lửa thuộc tổ hợp tên lửa chiến dịch – chiến thuật Luna.
Nguyễn Vũ

Bình luận(0)