Ca ghép gan người lớn thứ 2 chuẩn bị xuất viện

Google News

(Kiến Thức) - Sau hơn 34 ngày thực hiện ca ghép gan, ông H.C.T (50 tuổi, ngụ tại TP.HCM), hiện đã hồi phục tốt và có thể xuất viện ngay trong tuần này.

Ngày 18/9, TS BS Phạm Hữu Thiện Chí, Phó khoa ngoại Gan Mật Tụy BV Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết, 34 ngày sau khi thực hiện ca ghép gan, hiện sức khỏe của ông H.C.T tiến triển tốt, tất cả các chỉ số về gan đã ổn định. Dự kiến ông H.C.T sẽ xuất viện trong tuần này.
Trường hợp ghép gan của ông H.C.T là ca ghép gan thứ 2 với sự hỗ trợ của đoàn chuyên gia từ Bệnh viện Asan (Hàn Quốc) được thực hiện tại BV Chợ Rẫy, và là một trong những ca ghép gan người lớn thành công đầu tiên tại khu vực phía Nam. Trước đó, năm 2012, BV Chợ Rẫy cũng đã thực hiện một ca ghép gan người lớn.
BS.CKII Đoàn Tiến Mỹ, khoa ngoại Gan Mật Tụy BV Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, ông H.C.T bị xơ gan do rượu và viêm gan B. Bệnh nhân đã 3 lần bị hôn mê và đang trong tình trạng suy gan giai đoạn cuối. Bệnh nhân nhập viện Chợ Rẫy trong tình trạng lơ mơ, mất định hướng, phải hồi sức nhiều lần trước phẫu thuật. Nhưng may mắn là chỉ số của người nhận và người cho tương đồng, khi phẫu thuật cũng thuận lợi hơn ca ghép thứ nhất của bệnh viện. Ca ghép thứ nhât, ngoài suy gan giai đoạn cuối, lại bị bệnh lý về lách…nên ca ghép phức tạp hơn.
 

Các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM thông tin cho báo chí về ca ghép gan của bệnh nhân H.C.T. (Trong ảnh:TS BS Phạm Hữu Thiện Chí, Phó khoa ngoại Gan Mật Tụy BV Chợ Rẫy TP.HCM (người cầm micro) đang phát biểu trước báo giới.

Ngày 15/8 ca ghép gan được tiến hành. Ca ghép gan của ông H.C.T được thực hiện trong 14 tiếng. Người cho gan là con trai của ông H.C.T, 18 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông và chuẩn bị đi du học. Phần gan lấy của người cho là 750gr. 12 ngày sau ca mổ lấy gan, con trai ông H.C.T được xuất viện và hiện sức khỏe bình thường.
TS.BS Thiện Chí cho biết thêm, người cho gan cần phải hạn chế các môn thể thao nặng, làm căng cơ bụng (tập tạ, đá banh,…) ít nhất trong vòng 1 năm sau ngày cho gan. Riêng ông H.C.T, sau khi xuất viện thời gian 3 thánh đầu cũng nên hạn chế tiếp xúc nhiều người, chỗ đông người… vì sức đề kháng vẫn yếu hơn so với người bình thường. Những sinh hoạt gia đình thì bình thường và hàng tuần phải đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.
PGS TS Nguyễn Tấn Cường, Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, Đại học Y dược TP.HCM, nguyên Trưởng khoa ngoại Gan Mật Tụy BV Chợ Rẫy, cho biết, ghép gan là một trong những kĩ thuật khó nhất về ghép tạng. Ca ghép gan đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam là vào năm 2004, thực hiện ở trẻ em. Tính đến thời điểm hiện tại, cả người lớn và trẻ em có khoảng 30 ca được thực hiện ghép gan. Hiện nay, nhu cầu cần ghép tạng là rất lớn; tuy nhiên việc tìm được nguồn tạng phù hợp là rất khó khăn. Bên cạnh đó, ghép gan còn gặp phải 2 vấn đề lớn đó là kinh phí (khoảng 1,5 tỷ đồng) và thứ hai là nguồn tạng để ghép. Hiện vấn đề cho hiến tạng ở Việt Nam còn khá khiêm tốn, ngay cả đối với các trường hợp chết não.
PGS.TS.BS Trần Quyết Tiến, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, một trường hợp chết não hiến tạng có thể cứu được 10 người khác trong các trường hợp: ghép gan, ghép thận, ghép tụy, ghép tim, ghép giác mạc,…Việc hiến tạng không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp mà còn là hoạt động mang tính nhân văn, mang tính xã hội và mang tính sinh học.
Bùi Hương

Bình luận(0)