Thời gian gần đây, lợi dụng tâm lý lo lắng của nhiều phụ huynh khi dịch sởi hoành hành, nhiều đối tuợng đã tung bán những đồ dùng với lời quảng cáo có thể phòng tránh được bệnh sởi, trong đó nổi bật là vòng tay chống sởi, có xuất xứ từ Nhật Bản.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện trên nhiều trang mạng xã hội vẫn còn rao bán những mặt hàng này với lời quảng cáo có cánh. “Vòng chống sởi được xách tay từ Nhật, sản phẩm này không có tác dụng chữa bệnh mà khi các bé đeo vào thì virus bệnh sởi sẽ không thâm nhập được vào cơ thể!
Đây là sản phẩm rất hiệu nghiệm và cần thiết khi ở Việt Nam dịch sởi đang bùng phát. Sản phẩm này hiện chưa có mặt ở Việt Nam. Đến ngày 1/5/2014 hàng sẽ về tới Việt Nam. Vì số lượng có hạn nên các bạn muốn mua vui lòng đặt tiền trước 100%. Giá bán 450.000 đồng/sản phẩm", một nick name có tên Tomy Truong rao bán trên mạng.
|
Vòng tay chống sởi đang được tâng bốc lên mây.
|
Theo sự hướng dẫn của những người bán hàng trên mạng, những chiếc vòng đeo tay này sẽ phóng ra chất Chlorine có khả năng khử trùng hầu hết các loại vi khuẩn và làm sạch không khí. Chlorine dioxide không gây phản ứng phụ, khả năng khử trùng và oxi hóa mạnh các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là các vi khuẩn Giardia và Cryptosporidium.
Khi nguời đeo vòng này mở túi bóng bên ngoài, mở lớp màn che phía trước, túi sẽ phóng ra hoạt chất bao bọc quanh người để tạo một lớp ClO2 - Chlorine Dioxide quanh người đeo. Vòng đeo có tác dụng chống virus xâm nhập trong vòng 30 ngày, kể từ ngày mở túi nilon đeo vòng.
Những lời quảng cáo này đã khiến không ít bà mẹ tin tuởng và đặt mua sản phẩm với hy vọng sẽ phòng được bệnh sởi cho con.
Không chỉ những chiếc vòng đeo tay được rao bán tràn lan trên mạng mà ngoài thị trường cũng có không ít những đối tượng lợi dụng dịch sởi để rao bán những bài thuốc "gia truyền" có tác dụng phòng, chống sởi. Hoặc những loại hạt lá cây được bán với giá “cắt cổ” vì cho rằng có khả năng chống sởi rất hữu hiệu, ví dụ điển hình là lá mùi già và hạt mùi…
Liên quan đến những vấn đề trên, Bộ Y tế đã có trả lời và cảnh báo khi các bậc phụ huynh đổ xô đi mua thiết bị cũng nhưng sử dụng những phuơng pháp dân gian để phòng và chống sởi.
Về vấn đề sử dụng bài thuốc dân gian cũng như tám hạt mùi để phòng và chống sởi, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Về việc tắm hạt mùi thì hoàn toàn không có khả năng phòng bệnh”.
|
Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng và chống bệnh sởi. |
Đề phòng bệnh sởi, cách tốt nhất là tiêm phòng vắc xin đúng lịch và đủ liều. Đối với việc sử dụng kháng sinh thì chỉ dùng trong trường hợp bị bội nhiễm do vi khuẩn và phải tuân thủ theo chỉ định của cơ sở y tế.
“Vắc xin sởi là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất phòng bệnh sởi. Sau khi tiêm phòng vắc xin thì khoảng hai tuần sau đó trẻ sẽ có kháng thể để bảo vệ phòng bệnh sởi”, ông Phu cho hay.
Riêng về vấn đề vòng đeo tay có khả năng phòng, chống sởi như một số đối tượng rao bán trên mạng xã hội, Bộ Y tế mới đây đã ra cảnh báo chính thức tới toàn thể người dân.
Theo đó, Bộ Y tế cho rằng, thông tin quảng cáo về trang thiết bị y tế cần phải được liệt kê rõ ràng tên, chủng loại, nước sản xuất và các thông tin sử dụng, cảnh báo cần thiết khác. Đến nay, thiết bị phòng chống sởi trên chưa được cá nhân phân phối nêu rõ tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ và các thông tin liên quan theo quy định.
Đối với các thiết bị chống sởi trên sử dụng gói chứa hóa chất Chlorine Dioxide để khử trùng không khí xung quanh người đeo, ngăn chặn vi khuẩn. PGS. TS Nguyễn Hoài Châu – Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, chất Chlorine Dioxide là hóa chất khử trùng được sử dụng khá phổ biến.
Tuy nhiên việc tiếp xúc liên tục với hợp chất này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Hiện nay, hàm lượng Chlorine Dioxide trong sản phẩm chưa được kiểm nghiệm, xác định vì vậy các loại thiết bị này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người tiêu dùng.
Đã có 130 trẻ tử vong liên quan đến sởi
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính đến hết ngày 30/4, cả nước ghi nhận thêm 48 trường hợp mắc sởi xác định. Từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 3.832 trường hợp mắc sởi xác định trong số12.411 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố.
Trong ngày, số trường hợp nhập viện tại 3 bệnh viện (Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) giảm 38 trường hợp so với ngày 29/4, trong đó Bệnh viện Nhi Trung ương giảm 13 trường hợp. Trong ngày, cả nước không ghi nhận trường hợp tử vong nào có liên quan đến sởi. Từ đầu năm 2014 đến nay, ghi nhận 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 130 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi.