Bé gái Nguyễn K.L. (7 tuổi, trú tại phường Đội Cấn, TP. Tuyên Quang) nhập viện Đa khoa Hùng Vương, cấp cứu trong tình trạng đau bụng cơn liên tục vùng hạ vị kèm nôn trớ thức ăn.
Bác sĩ Trần Công Dũng, Phó trưởng Khoa Phụ sản cho biết, qua thăm khám lâm sàng và siêu âm Doppler, các bác sĩ phát hiện trong ổ bụng bệnh nhi có khối u to, chiếm toàn bộ tiểu khung. Chẩn đoán sơ bộ: khối u vùng tiểu khung, nghĩ đến u nang buồng trứng xoắn.
Để giúp chẩn đoán chính xác, bác sĩ tiến hành chụp cổng hưởng từ 1.5 Tesla, kết quả xác định u bì buồng trứng phải xoắn. Ngay lập tức, cháu bé được chỉ định phẫu thuật cấp cứu loại bỏ khối u.
|
Các bác sĩ trong ca phẫu thuật loại bỏ khối u buồng trứng cho bệnh nhi - Ảnh: BVCC |
Theo bác sĩ Dũng, u nang buồng trứng là một trong những căn bệnh phụ khoa khá phổ biến hiện nay. Khối u có thể hình thành với nữ giới ở bất cứ độ tuổi nào, từ trẻ nhỏ, bé gái mới bước vào tuổi dậy thì cho đến cụ già 80 tuổi.
“Nhóm mắc bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất rơi vào độ tuổi từ 30 - 40 tuổi, còn trường hợp khối u xuất hiện sớm như bệnh nhi nói trên khá hiếm thấy”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Sau hội chẩn, các bác sĩ thống nhất phẫu thuật nội soi với mong muốn giúp giảm tối đa những tổn thương ở thành bụng cũng như các tạng trong ổ bụng. Đồng thời, giảm chảy máu, giúp vết mổ mang tính thẩm mỹ hơn, bệnh nhi phục hồi sức khỏe nhanh hơn sau mổ.
Kết quả sau hơn 1 giờ, ca mổ nội soi thành công. Bệnh nhi được loại bỏ hoàn toàn khối u và bảo tồn buồng trứng. Qua 3 ngày kể từ ca phẫu thuật, sức khỏe cháu L. phục hồi tốt, da niêm mạc hồng hào, ăn ngủ tốt, có thể vận động nhẹ nhàng. Bệnh nhi hiện đã được cho xuất viện về nhà.
Theo các bác sĩ, u buồng trứng có hai dạng, gồm dạng nang và dạng đặc, trong đó hai loại u buồng trứng phổ biến nhất là u nang thanh dịch buồng trứng và u quái buồng trứng.
Các thống kê cho thấy, có tới 90% khối u được phát hiện ở trẻ em là lành tính. Tuy nhiên, chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo cần hết sức cảnh giác với căn bệnh này và tiến hành phẫu thuật khi đường kính khối u từ 5cm trở lên.
Nếu để muộn, trẻ rất dễ gặp tình trạng xoắn cuống khối u, vỡ khối u, chèn ép các cơ quan xung quanh và biến thành u ác tính… Trong trường hợp này, các bác sĩ buộc lòng phải chỉ định cắt bỏ toàn bộ một bên buồng trứng.
Thực tế, không dễ phát hiện u buồng trứng cho tới khi khối u phát tác. Dấu hiệu nhận biết bệnh khá mơ hồ, dễ bị nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa, hoặc đau ruột thừa. Bởi vậy, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên thường xuyên cho trẻ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sớm khối u.
Khi con có biểu hiện đau tức vùng hạ vị, bụng to bất thường, nên đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.