Bắt sâu răng bằng... dầu ăn

Google News

“Phòng khám” bắt sâu răng của bà Trần Thị Đốm là gian bếp rộng 10m2 với một rổ chai nhựa màu vàng đục, bẩn thỉu, vài tô sành đựng dầu ăn.

Qua lời đồn thổi, nhiều người đã tìm đến cơ sở này để được bắt sâu răng. Tuy nhiên, các chuyên gia răng miệng khẳng định đây là trò lừa đảo.
Nghề gia truyền
Đến xã Tân Hội hỏi bà Tư (tên thường gọi của bà Đốm) thì hầu như ai cũng biết. Bà Tư cho biết đã hành nghề “bắt sâu răng” hơn chục năm với bài thuốc gia truyền.
Thấy khách lạ đến, người nhà bà Tư liền mời: “Đến bắt sâu răng hả? Ra thẳng phía sau ngồi chờ. Bả còn mắc khách, đợi chút rồi bả bắt luôn cho”.
Tại “phòng khám” là gian bếp rộng khoảng 10m2, bà Tư trong dáng người mập mạp đang lúi húi đun sôi dầu ăn trong tô sành. Trên “bàn khám”, một cậu bé trạc 10 tuổi trong tư thế sẵn sàng để được bắt sâu.
Bà Tư dùng dầu ăn và một loại 'thuốc lạ' để bắt sâu răng cho một bệnh nhân 
Sau khi đun sôi chén dầu, bà Tư úp lên thành tô một chai nhựa khoét đáy. Tiếp đó bà cho vào chai nhựa một gói thuốc màu đen mà bà giới thiệu là thuốc chuyên bắt sâu răng rất hiệu nghiệm mua ở tiệm thuốc bắc.
Dầu sôi đẩy từng luồng khói trắng bốc lên, bà Tư nhanh nhảu úp miệng chai nhựa thứ hai được cắt hình phễu lên chai nhựa ban đầu và phán: “Con để răng lên thành chai, để khói xông miệng là con sâu răng chui ra. Thở bằng miệng và phải ngậm cho hết khói vào”.
Sau khoảng một phút, bên trong chai nhựa xuất hiện những sợi màu trắng cong queo, bà Tư mừng rỡ nói: “Đây, con sâu răng.
Mẻ đầu tiên sâu ra ít vầy chứ mẻ thứ hai, thứ ba còn nhiều nữa”. Mang chiếc tô sành chứa dầu và chai nhựa ra ánh sáng, bà Tư đếm số sâu dính trên thành chai và thông báo có gần 10 con sâu là sợi màu trắng nằm cong queo bên trong chai và vài chục con khác rớt dưới tô. Bà Tư cho biết đây là nghề gia truyền của ông bà. Mỗi mẻ xông khói, bà Tư lấy 10.000 đồng và giải thích thêm: “Lấy tiền dầu ăn chứ bắt sâu là cứu giúp cho người dân”.
Bà Tư chỉ số sâu răng dính trong chai - Ảnh: N.Tài 

Chị N.M.P., người dân trong huyện từng đến nhờ bà Tư bắt sâu, cho biết: “Sau khi bắt xong thấy bớt nhức răng. Còn cái con màu trắng trắng có phải con sâu răng hay không thì không biết vì chúng chết hết nằm đơ đơ chứ không thấy con nào sống. Nhiều lần nhờ bà Tư bắt con sâu sống cho coi nhưng bà đều từ chối và nói hơi nóng đã làm chúng chết rồi”.
Nguy cơ lây bệnh
"Việc bắt sâu răng bò lúc nhúc là một trò bịp và phản khoa học vì những loại vi khuẩn gây ra sâu răng phải soi dưới kính hiển vi mới thấy được"
Bác sĩ Lê Phong Vũ

Bà Tư không nhớ hết số người đã đến để nhờ bà bắt sâu. Nhưng có một điểm đáng lưu ý là tất cả chỉ dùng chung một bộ dụng cụ bắt sâu là vài chai nhựa khoét đáy và ngậm chung miệng chai nhựa hình phễu.
Xin một ít thuốc gia truyền bắt sâu của bà Tư mang về, chúng tôi phát hiện những hạt thuốc hình như một hạt tiêu bị cắt đôi,
trong có những sợi nhỏ màu trắng hình dạng giống với những sợi màu trắng bám bên trong chai mà bà Tư gọi là sâu răng. Mang số thuốc này đến một số hiệu thuốc bắc ở tỉnh Tiền Giang để hỏi mua nhưng các lương y ở đây lắc đầu không biết là loại gì. “Ở đâu cho toa này thì đến đó mua và nhờ tư vấn sử dụng chứ ở đây không bán loại này” - chủ một hiệu thuốc bắc cho biết.
Xã không biết
Ông Nguyễn Ngọc Hội, chủ tịch UBND xã Tân Hội, cho biết chính quyền địa phương không hay biết có chuyện người dân trong xã có thể bắt được sâu răng. “Tôi sẽ cử cán bộ đến kiểm tra cơ sở hành nghề của bà Tư, đồng thời sẽ có hướng xử lý”.
Bác sĩ Lê Phong Vũ, trưởng khoa răng hàm mặt Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, cho biết hiện tượng bị sâu răng là do thường ngày không vệ sinh răng miệng sạch. Thức ăn bám vào răng, trong điều kiện yếm khí sẽ sinh ra các loại vi khuẩn lên men thức ăn sau đó sinh ra axit làm mòn răng, tạo những ổ sâu.
Theo Gia đình Việt Nam

Bình luận(0)