Một năm sau khi tên lửa hành trình “Tomahawk made in Ấn Độ” thất bại, các nhà khoa học nước này đã sẵn sàng cho cuộc thử nghiệm thứ 2 vào cuối tháng 2.
“Chúng tôi có kế hoạch bắn thử Nirbhay vào cuối tháng 2”, ông Avinash Chander – cố vấn khoa học Bộ Quốc phòng nói với Deccan Herald bên lề Hội nghị Khoa học tổ chức mới đây. Nirbhay – tên lửa hành trình cận âm tầm xa hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết tiết là câu trả lời với tên lửa Tomahawk Mỹ được giới thiệu lần đầu năm 1970, sử dụng chủ yếu bởi Hải quân Mỹ và Anh với tầm bắn khoảng 1.300-1.700km.
|
Tên lửa hành trình tầm siêu xa Nirbhay trong cuộc phóng thử lần đầu năm 2013.
|
Mặc dù mọi thông tin liên quan tới tầm bắn của Nirbhay là tuyệt mật, nhưng theo một số nguồn tin thì loại tên lửa này của Ấn Độ đạt tầm phóng khoảng 1.000km. Một khi đã sẵn sàng, Hải quân Ấn Độ là lực lượng đầu tiên được trang bị.
Theo một số trang mạng thì Nirbhay nặng 1 tấn, dài 6m, đường kính thân 0,52m, tầm bắn xa 1.000km, tốc độ hành trình cận âm, hệ dẫn đường quán tính INS kết hợp con quay hồi chuyển lade vòng cho độ chính xác cao. Với 2 cánh trên thân, tên lửa có thể bay ở nhiều độ cao từ 500m tới 4km và bay ở độ cao cực thấp nhằm tránh radar đối phương. Nó có thể mang tới 24 kiểu đầu đạn khác nhau phụ thuộc vào từng nhiệm vụ.
Trong lần thử đầu tiên vào tháng 3/2013, Nirbhay đã lệch khỏi hành trình bay dự kiến sau vài phút rời bệ phóng. Để đảm bảo an toàn, các nhà thiết kế buộc phải kích nổ quả đạn trên vịnh Bengal.
“Các nhà khoa học đã xác định rằng hệ thống dẫn đường quán tính gặp trục trặc khi phóng. Việc sửa đổi, khắc phục đang được thực hiện”, Bộ trưởng Quốc phòng AK Antony cho biết trong tháng 5/2013.