Theo công ty tư vấn giáo dục Mỹ WholeRen Education, có trụ sở tại Pittsburgh, trong năm học 2013 – 2014, có tới 8.000 sinh viên Trung Quốc bị đuổi khỏi các trường đại học, cao đẳng trên khắp nước Mỹ. Phần lớn trong số đó, 80% bị đuổi vì gian lận hoặc vì không đủ sức học.
Tỷ lệ sinh viên Trung Quốc bị đuổi học quá cao trên được xem là một điều đáng báo động đối với các trường đại học Mỹ bởi sinh viên Trung Quốc là một nguồn thu lớn đối với họ.
|
Các trường đại học Mỹ đang 'nghiện' sinh viên Trung Quốc. |
Theo Viện Giáo dục Quốc tế Mỹ, trong năm học 2013 -2014, có 274.439 du học sinh Trung Quốc, tăng 16 % so với năm trước đó. Sinh viên Trung Quốc chiếm tới 31% tổng số sinh viên quốc tế tại Mỹ và đóng góp khoảng 22 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2014.
Trước đây, du học sinh Trung Quốc ở Mỹ thường phải sống và học tập với nguồn tài chính eo hẹp. Nhưng hiện nay, phần lớn du học sinh là con em của những gia đình giàu có và quyền lực nhất Trung Quốc.
Sự xuất hiện của lớp sinh viên giàu có từ Trung Quốc trong các trường đại học Mỹ còn gây sự chú ý của các thương hiệu sang trọng. Họ tìm cách để thu hút những sinh viên này.
Bergdorf Goodman, một trung tâm thương mại tại Thành phố New York, đã từng tài trợ cho các buổi lễ chào năm mới tại các trường đại học New York và Columbia. Hãng thời trang Bloomingdales cũng đã tổ chức các buổi biểu diễn thời trang cho sinh viên Trung Quốc tại trung tâm mua sắm ở Chicago.
|
Sinh viên Trung Quốc ở lại nước học tập có xu hướng tăng. |
Sinh viên Trung Quốc đang trở thành một thị trường lớn ở Mỹ và không ai hiểu điều đó bằng bản thân các trường mà họ đang theo học. Hơn 60 % du học sinh Trung Quốc có thể trang trải đủ chi phí giáo dục đại học Mỹ. Do đó, đây là một nguồn hỗ trợ hiệu quả kinh phí giáo dục cho con em của các gia đình Mỹ có thu nhập thấp. Một số trường như Đại học Purdue ở bang Indiana, còn có nhiều lợi nhuận hơn nữa khi thu thêm học phí đối với những sinh viên quốc tế.
Tuy nhiên, mối quan hệ hai bên cùng có lợi giữa các trường đại học Mỹ và du học sinh Trung Quốc không phải là không có vấn đề. Nhu cầu du học tăng cao đã làm nảy sinh ra một dịch vụ kèm theo ở Trung Quốc, nhằm giúp cho các sinh viên có đủ điều kiện để nhập học. Tuy vậy, dịch vụ này lại không được quản lý tốt và có nhiều gian lận.
Theo Zinch China - chi nhánh ở Bắc Kinh của một công ty tư vấn giáo dục có trụ sở tại California, Mỹ, 90 % sinh viên Trung Quốc nộp thư giới thiệu giả, 70 % thuê người viết bài luận, 50% sinh viên giả mạo bảng điểm trung học và 10% khai man các giải thưởng và các thành tích trong học tập. Hậu quả, nhiều sinh viên tới Mỹ nhưng lại không có đủ vốn tiếng Anh để theo học.
Nhà tư vấn giáo dục Parke Muth ở bang Virginia, một người có nhiều kinh nghiệm làm việc ở Trung Quốc cho hay: “Các trường đại học Mỹ bị ‘nghiện’ sinh viên Trung Quốc”. Ông cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là vì họ sẽ kiếm được nhiều tiền và không phải tốn nhiều công sức vào việc định hướng nghề nghiệp.
Nhưng mối quan hệ này liệu có bền vững hay không? Chính phủ Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ USD để phát triển hệ thống giáo dục nhằm thuyết phục các sinh viên ở lại nước học tập.
Ông Muth nói: "Trung Quốc đang cải thiện các phòng thí nghiệm, đầu tư hơn cho các nghiên cứu, trong khi Mỹ đang cắt giảm chi tiêu. Hiện số sinh viên học tập trong nước đang tăng”.