Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng các trường sẽ diễn ra. Tại kỳ thi này, môn Văn là một trong 3 môn bắt buộc với các thí sinh chưa tốt nghiệp THPT. Vậy làm cách nào để có thể đạt điểm cao với môn Văn, Kiến Thức giới thiệu 4 bí quyết dưới đây để các bạn tham khảo.
1. Bố trí thời gian hợp lý
Đây là một trong những bí quyết quan trọng nhất để làm một đề thi văn hoàn chỉnh. Theo kinh nghiệm của nhiều thầy cô, các thí sinh thậm chí là học sinh giỏi đều hay mắc phải lỗi về bố trí thời gian không hợp lý nên khi hết giờ vẫn chưa làm xong hoặc cuống cuồng viết vội vài dòng kết luận cụt ngủn. Và những bài làm như thế sẽ bị đánh giá thấp dẫn đến kết quả không khả quan.
Để tránh được lỗi đó, các thí sinh cần đọc kỹ đề thi một lượt, xác định điểm và thời gian làm cho từng câu. Đối với phần hỏi về tác giả, tác phẩm (2 điểm) các em nên làm trong khoảng 30 phút. Bởi vì đây là phần kiểm tra kiến thức cơ bản nên thí sinh cần học thuộc và nắm chắc những ý chính mà câu hỏi yêu cầu, tránh lan man, dài dòng.
Đối với câu nghị luận các em cũng chỉ dành từ 30 – 45 phút để triển khai ý và viết, còn lại dành thời gian để làm câu tự luận vì đây là phần chiếm số lượng điểm khá lớn.
2. Lập dàn ý sơ giản trước khi viết bài
Các em cần lưu ý phải lập dàn ý sơ giản (hoặc chi tiết) trước khi viết bài để tránh thiếu ý, trình tự các ý lộn xộn và lạc đề.
|
Việc bố trí thời gian hợp lý là một trong những bí quyết quan trọng nhất để làm một đề thi văn hoàn chỉnh. |
Tiếp đến cần xác định đầy đủ yêu cầu của đề thi về các phương diện như kiểu bài, xác định xem đề bài yêu cầu sử dụng kĩ năng nghị luận nào: trình bày, giải thích, chứng minh, bình giảng, phân tích, so sánh hay kiểu bài tổng hợp đòi hỏi kết hợp nhiều kĩ năng nghị luận.
Đối tượng và nội dung nghị luận: Đề bài yêu cầu giải quyết vấn đề gì? Phạm vi kiến thức và dẫn chứng: Để giải quyết vấn đề đó, cần huy động và sử dụng những kiến thức và dẫn chứng nào cho phù hợp và có sức thuyết phục cao nhất).Đồng thời, các em xác định nội dung và hình thức trình bày bài viết. Điều này sẽ giúp bài văn không bị lạc đề, xa đề.
Các em nên xác định yêu cầu của đề thi trong thời gian nhanh nhất, để dành thời gian làm bài. Phải cố gắng làm hết tất cả các câu trong yêu cầu của đề bài, không được bỏ sót ý nào, dù là nhỏ nhất.
Để bài văn đạt kết quả cao, cần vận dụng chính xác, linh hoạt, nhuần nhuyễn các kiểu bài, các kĩ năng và thao tác nghị luận. Các em nên tập trung rèn luyện năng lực trình bày tóm tắt 1 vấn đề văn học, năng lực cảm thụ văn học và các kiểu bài so sánh, phân tích, bình giảng văn học (nhất là phân tích văn xuôi và bình giảng thơ).
3. Không học tủ, nhưng cần có trọng tâm
Có thí sinh cho rằng năm trước, đề thi đã ra vào bài này, phần này, nên năm sau sẽ không rơi vào bài đó nữa. Nhận thức như vậy là chủ quan, vừa sai lầm, vừa thiển cận.
Nhiều em ngại khó, nên thường bỏ qua các bài khó hoặc ít hấp dẫn như Người lái đò sông Đà, Các vị La Hán chùa Tây phương… Nhưng đề thi vẫn có thể rơi vào các bài đó, mà khi đề đã ra, thì dù không thích cũng phải làm.
Đề thi môn Văn thường kiểm tra toàn diện kiến thức văn học sử (về giai đoạn văn học 1945 - 1975 và 5 tác giả), cũng như tác phẩm văn học cả trước và sau Cách mạng, cả thơ và văn, thậm chí cả kịch (như chương trình phân ban), đồng thời kiểm tra toàn diện các kĩ năng tóm tắt, bình giảng, phân tích, so sánh, giải thích, chứng minh...
Trước đây, dung lượng kiến thức văn học lãng mạn và văn học hiện thực trước Cách mạng chỉ chiếm khoảng 30% (câu 3 điểm), nhưng trong đề thi của khối D, M các năm 2002 và 2007 đã chiếm tới 50% (câu 5 điểm).
Vì vậy, các em nên cố gắng ôn tập đều ở tất cả các phần, các bài trong chương trình thi, không nên học tủ. Với cách ra đề phân thành nhiều câu, nhiều phần như chủ trương của Bộ, thì học tủ là rất nguy hiểm. Tuy vậy, các em vẫn nên ôn tập có trọng tâm, trọng điểm.
Bên cạnh ôn tập kiến thức, cần rèn luyện kĩ năng làm các kiểu bài tóm tắt về tác giả, tác phẩm và giai đoạn văn học; kĩ năng phân tích văn xuôi và bình giảng thơ; kĩ năng phân tích đề, tìm ý, triển khai ý, mở bài, kết bài, chuyển đoạn, trình bày, diễn đạt…
Cần bám sát chương trình của Bộ và sách giáo khoa, vì đó là văn bản pháp quy của nhà nước, mà đề thi không được nằm ngoài. Lưu ý rằng tất cả những gì có trong sách giáo khoa đều có thể thi.
4. Tham khảo đề thi, đáp án, biểu điểm
Các em nên tham khảo đề thi, đáp án, biểu điểm chính thức và dự bị những năm trước của Bộ GD&ĐT. Nó sẽ giúp học sinh có một định hướng rõ ràng hơn trong việc ôn tập và làm bài thi.
Khi đọc những tài liệu này, cần lưu ý đến điểm số dành cho từng ý; tại sao ý này điểm nhiều, ý kia điểm ít; cũng như trình tự sắp xếp các ý, phạm vi dẫn chứng…
Các em cũng nên học hỏi cách làm bài, kiến thức, cách mở bài, kết bài, triển khai ý, cách chuyển ý, trình bày, diễn đạt… qua những bài văn đạt điểm cao trong các kì thi đại học trước đó, đồng thời so sánh các bài viết này với đáp án và biểu điểm của Bộ, xem bài làm thiếu ý nào, có ý nào mới hơn, tại sao lại được điểm cao như thế…