Tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản) cho biết, Trung Quốc đang tự đóng 2 tàu sân bay, mỗi tàu có lượng giãn nước 80.000 tấn. Cũng theo tờ này, Trung Quốc đã có bản thiết kế tàu sân bay hạt nhân Ulyanovsk của Nga cũng như công nghệ của hệ thống động cơ hạt nhân trên tàu. Vì vậy, có thể đoán định rằng tàu sân bay tương lai của Trung Quốc sẽ dùng động lực hạt nhân.
Việc Trung Quốc có được bản thiết kế tàu sân bay này có thể là do Ukraine cung cấp. Vì vốn dĩ tàu sân bay Ulyanovsk được khởi đóng tại nhà máy đóng tàu Nikolayev (thuộc Ukraine). Mà trước đó, Ukraine đã cung cấp cho Trung Quốc rất nhiều công nghệ tàu sân bay để nước này hoàn thiện tàu Liêu Ninh.
|
Tàu sân bay tương lai của Trung Quốc có lượng giãn nước 80.000 tấn.
|
Ulyanovsk là thiết kế tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của Hải quân Liên Xô (dự án hủy bỏ năm 1991), thiết kế con tàu có lượng giãn nước toàn tải lên tới 75.000 tấn, dài 321,2m, rộng 83,9m, mớn nước 10,6m, trang bị 4 lò phản ứng hạt nhân KN-3 cho phép hoạt động tới 20-25 năm không cần nạp nhiên liệu.
Tương tự thiết kế tàu sân bay trước đó của Liên Xô, Ulyanovsk vẫn giữ truyền thống trang bị vũ khí hạng nặng với 12 tên lửa chống tàu siêu thanh P-700 Granit, hệ thống phòng không Buk, Kashstan, AK-630. Tuy nhiên do được bố trí hợp lý hơn, con tàu có thể mang tới 68 máy bay gồm: 44 tiêm kích Su-33; 6 máy bay cảnh báo sớm Yakovlev Yak-44 RLD, 18 trực thăng săn ngầm.
Đặc biệt, boong phóng máy bay của tàu được trang bị 2 hệ thống máy phóng thủy lực Mayak kết hợp boong phóng kiểu nhảy cầu.
Tuy nhiên, với Trung Quốc nhiều khả năng nước này sẽ không sử dụng hệ thống vũ khí hạng nặng, nhờ đó có thể có khả năng tăng số lượng máy bay trên hạm.
|
Thiết kế tàu sân bay Ulyanovsk có 2 máy phóng thủy lực cho máy bay cảnh báo sớm Yak-44 cất cánh và boong phóng nhảy cầu để tiêm kích Su-33 cất cánh.
|
Bên cạnh đó, các nguồn tin thân cận cho biết, Tập đoàn Hàng không Thành Đô đã có kế hoạch sản xuất một loại máy bay cất hạ cánh thẳng đứng tương tự như mẫu F-35B của Mỹ.
Để phát triển mẫu máy bay này, Trung Quốc có thể hợp tác với Nga để phát triển và sử dụng công nghệ từ mẫu Yak-41 của Nga. Nguồn tin này cũng cho biết, Hải quân Trung Quốc đang có kế hoạch đóng 6 tàu đổ bộ tấn công Type 081 có thể chở theo một số tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng nhằm làm chủ các vùng biển gần.
Từ mức giá 300 triệu USD cho mỗi chiếc tàu đổ bộ 28.000 tấn Type 071, mức giá của tàu đổ bộ tấn công Type 081 40.000 tấn sẽ không vượt quá 500 triệu USD. Một con tàu đổ bộ chở theo máy bay chiến đấu cất hạ cánh thẳng đứng sẽ rẻ hơn và dễ bảo dưỡng hơn so với một tàu sân bay hạt nhân sử dụng cho các vùng biển xa với giá lên đến hàng tỷ USD.