Sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3 với 96,77% người dân Crimea đồng ý đưa khu tự trị gia nhập Nga, sự kiện này đang khiến chính quyền Croatia khá lo lắng số phận hợp đồng mua 5 MiG-21bis đã ký với Ukraine trong năm 2013.
Năm 2013, chính quyền Croatia đã ký với Ukraine mua lại 5 chiếc tiêm kích đánh chặn MiG-21bis. Số máy bay này trước khi bàn giao (dự kiến trong năm 2014) sẽ được tân trang tại nhà máy hàng không SE Odessa đặt tại Crimea.
Ngoài ra, Không quân Croatia còn gửi 7 chiếc tiêm kích đánh chặn MiG-21bis tới nhà máy của Tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Ukraine Ukrspecexport để sửa chữa và đại tu lớn.
Thời điểm tình hình chính trị Ukraine căng thẳng, nhưng Tổng thống Yanukovich vẫn chưa bị lật đổ (ngày 13/2) Bộ trưởng Quốc phòng Croatia cho biết, việc mua sắm và sửa chữa lớn 12 chiếc MiG-21 ở Crimea vẫn đang tiếp tục và “không có vấn đề gì”.
|
MiG-21bis hiện là tiêm kích chủ lực, tốt nhất, mạnh nhất của Không quân Croatia.
|
“Việc đại tu hiện không gặp phải vấn đề gì, bất kể tình hình chính trị bất ổn”, Bộ Quốc phòng Croatia cho biết. Ngoài ra, bộ này cũng tiết lộ thêm rằng 5 máy bay MiG-21 đầu tiên đã gần như được hoàn thành, chỉ còn chờ hệ thống định vị được chuyển giao từ Công ty Ceska Letecka Servisni (Cộng hòa Czech).
Thời điểm đó, đại diện nhà thầu Ukraine cũng khẳng định rằng quá trình đại tu, sửa chữa 12 chiếc MiG-21bis vẫn diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã khác, Crimea đã sẵn sàng để gia nhập Liên bang Nga, đồng nghĩa với việc nhà máy SE Odessa sẽ không còn chịu sự kiểm soát từ Tập đoàn nhà nước Ukroboronprom. Vì vậy, trách nhiệm với hợp đồng sửa chữa, chuyển giao MiG-21bis có thể sẽ gặp nhiều vấn đề. Hiện, Bộ quốc phòng Croatia vẫn chưa đưa ra bình luận gì xung quanh vụ việc.
Khu tự trị Crimea là “nhà” của 13 tổ chức công nghiệp quốc phòng chịu sự quản lý của Ukroboronprom, và vì vậy sự sát nhập lãnh thổ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều hợp đồng quân sự mà Ukraine ký kết từ năm 2013 trở về trước.