Bán thực phẩm, đặc sản ngày Tết
Việc kinh doanh thực phẩm trong những ngày bình thường đã rất sôi động nhưng vào dịp gần Tết lại càng “bùng cháy” khi mà người người săn lùng, nhà nhà đặt mua với số lượng lớn dự trữ cho “những ngày ăn chơi” đầu năm mới. Vì vậy, thực phẩm luôn xếp vào một trong các mặt hàng Tết mang đến lợi nhuận cao nhất.
Theo đó, các loại thực phẩm dễ tiêu thụ nhất trong những ngày cận năm mới là đồ ăn như bánh kẹo nội, bánh kẹo ngoại, ô mai, bò khô, giò chả, bánh chưng, bánh tét… và thức uống như rượu nội, rượu ngoại, trà, nước giải khát… Ngoài ra, các loại đặc sản đắt tiền cũng mang lại lợi nhuận cao do được nhiều người tiêu dùng săn lùng như: bánh chưng Điện Biên, gà Đông Tảo, tôm hùm, cua hoàng đế…
|
Kinh doanh hàng thực phẩm, đặc sản ngày Tết thu tiền triệu mỗi ngày |
Trao đổi với chị Anh Nhật, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, chị cho biết, 4 năm trở lại đây, cứ khoảng 2 tuần trước Tết nguyên đán là chị nhập bánh chưng Điện Biên, giò bê Nghệ An về bán. Đối với bánh chưng Điện Biên, chị nhập với giá 45.000 đồng/cái, tiền “ship” Điện Biên – Hà Nội tính ra khoảng 5.000 đồng/cái, chị bán ra với giá 75.000 – 80.000 đồng/cái.
Tuy chỉ lãi khoảng 30.000 đồng/cái nhưng thường mỗi người mua ít nhất 4-5 cái cho gia đình, có nhiều người mua biếu cả hai bên ông bà nội ngoại. Nên thường một khách hàng chị lãi khoảng 150.000 – 450.000 đồng/đơn. Hơn nữa, mặt hàng này chị chỉ nhận đặt trước để tránh bánh hỏng nên chỉ lãi chứ không lỗ. Trung bình mỗi đợt Tết chị bán từ ngày rằm tháng Chạp đến ngày 27 Tết (khoảng 2 tuần) được khoảng 500 – 600 cái bánh chưng, lãi từ 15 – 18 triệu.
Còn đối với mặt hàng giò bê Nghệ An, chị Nhật nhập với giá từ 150.00 - 180.000 đồng/kg, bán ra khoảng 220.000 – 250.000 đồng/kg, mỗi cân giò chị lãi khoảng 70.000 đồng. “Năm đầu tiên khi tôi bán, đây là món đặc sản mới nên người dân đổ xô mua. Chỉ 2 tuần gần Tết tôi lãi khoảng 25 triệu. Vài năm gần đây giò bê ít “hot” hơn nên chỉ lãi khoảng 10-15 triệu/đợt”, chị Nhật cho biết.
Theo chị Nhật, cả hai mặt hàng chị bán đều không cần nhiều vốn. Bánh chưng thì khách hàng phải đặt trước từ 50 – 100% giá trị đơn hàng chị mới lấy về, còn giò bê thì cứ lấy từ 10kg trở lên là chị được tính giá sỉ. Nên thường chị cứ lấy 10 – 20kg mỗi đợt, bán hết lại lấy, tránh để hàng tồn.
Bán cây cảnh, hoa tươi ngày Tết
Cây cảnh, hoa tươi cũng là một trong những vật phẩm không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà ngày Tết. Chính vì vậy, đây là loại mặt hàng được đánh giá cho khả năng sinh lời cao nhờ nhu cầu mua hàng lớn.
|
Bán hoa tươi ngày Tết kiếm tiền triệu mỗi ngày |
Nhắc đến Tết không thể không nhắc tới hoa đào, hoa mai, quất cảnh. Tuy nhiên, thường vốn bỏ ra để kinh doanh các loại cây hoa này khá cao. Thế niên, chiến lược kinh doanh của chị Thu Giang, một giáo viên tiểu học tại Hà Nội là bán các loại hoa như hồng, cúc, ly, dơn, đồng tiền… với số vốn ít nhưng dễ tiêu thụ nên vẫn mang đến khả năng sinh lời cao.
Theo chị Giang, hàng năm từ 27 – 30 Tết chị nhập hoa từ các vườn ở khu vực huyện Mê Linh (Phúc Yên, Hà Nội) về bán trước cửa nhà. Mỗi ngày chị nhập khoảng 200 bông cúc, 100 bông hồng, ly và lan lấy ít hơn, tổng vốn khoảng 5 - 6 triệu/ngày. Chị bán từ 6:30 sáng đến 16 giờ chiều là hết hàng, mỗi ngày chị lãi khoảng 2-3 triệu. “4 ngày tôi kiếm được khoảng 10 triệu tiêu Tết, gấp 2 lần lương tháng bình thường của tôi!”, chị Giang cho biết.