Đào Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn được người dân địa phương gọi là đào tiên dựa theo truyền thuyết về núi Mẫu Sơn. Loài cây này thường trổ hoa sau Tết Nguyên đán và được người dân coi là cây ăn quả. Nhưng mấy năm nay lại xuất hiện xu thế đại gia săn đào Mẫu Sơn chơi Tết muộn.
|
Một gốc đào tiên.
|
Đào tiên
Dân gian thường bảo: “Mẫu Sơn tựa chốn bồng lai, quanh năm ngút ngát mây ngàn, gió núi khiến cho viễn khách chỉ cần tới xứ sở thần tiên này một lần thì nhớ đến già. Nhưng sẽ là rất thiếu khi người ta đến nơi đây mà không được thưởng thức thứ đặc sản quả và hoa đào tiên. Bởi loài cây này không đơn thuần là thứ đặc sản của riêng núi Mẫu Sơn mà nó đã đi vào huyền thoại bằng câu chuyện truyền thuyết gắn liền núi mẹ”. Đến nay, nguồn gốc thực của cây đào Mẫu Sơn không ai nhớ nổi. Nhìn ngược lên phương Bắc, xuôi về phương Nam cũng chẳng thấy giống đào nào lạ kỳ như ở Mẫu Sơn. Thế là, người dân bản xứ liền tin nguồn gốc của loài cây đặc biệt này từ chốn thiên cao tạo thành.
Trưởng bản Khuẩy Tẳng, xã Mẫu Sơn tên Triệu Chằn Sỉu kể rằng: “Ngày xưa, núi cha đi đánh giặc phương Bắc, để lại núi Mẹ ở nhà trông coi nhà cửa, ruộng vườn. Sau ba năm, núi cha thắng trận, rồi thu quân và chuẩn bị trở về. Đúng lúc đó, có kẻ xấu buông lời sàm với núi cha về việc núi mẹ ở nhà ngoại tình với người khác. Núi cha nổi cơn cuồng nộ, tức tốc trở về tuốt gươm chém rơi đầu núi mẹ. Sự việc đến tai Ngọc hoàng. Ngài liền phái 7 nàng tiên xuống trần gian để điều tra sự việc. 7 nàng tiên sau đó minh oan cho núi mẹ rồi hóa thân thành 7 dòng suối. Trên 7 dòng suối đó mọc lên một loại cây lạ, có hoa màu đỏ, quả thơm, ngọt, khi chín vỏ hồng tựa hoa. Người dân quanh núi thấy lạ liền đặt tên cho loài cây này là đào tiên. Sau này, có người gọi đào tiên với tên khác là đào Mẫu Sơn để tưởng nhớ đến câu chuyện núi mẹ bị núi cha giết oan và coi đó là hóa thân của 7 nàng tiên giáng trần”.
Có lẽ, vì cái sự quý hiếm, lạ lùng gắn với các nàng tiên đó, nên mỗi khi có khách lạ hỏi về đào Mẫu Sơn, ông Triệu Chằn Sỉu lại kể lại những câu chuyện về đào, về cái vị ngọt mát, thơm thoang thoảng của thứ đặc sản khiến người ta ăn một lần thì nhớ hết một đời.
Ông bảo: “Đào ở đây thường nở hoa sau Tết Nguyên đán. Đến tầm tháng 5 – 6 thì quả chín. Khi chín, vỏ ngả màu hồng như cánh hoa. Trọng lượng mỗi quả có khi đến 2 lạng. Cách đây chừng 15 năm, quanh núi Mẫu Sơn gần như nhà nào cũng có loại cây này. Nhà nhiều thì 2 – 3 khe, ít thì vài cây trước nhà để mùa xuân thì ngắm hoa đào nở, mùa hè quả thơm ngan ngát”.
|
Gia đình bà Dương Mùi Viển muốn bán cả vườn đào cổ thụ để trồng cây mới.
|
Bật gốc đào 100 tuổi
Quanh núi Mẫu Sơn, có 4 bản nổi tiếng nhiều đào là Ngàn Pặc, Pác Đay, Cốc Chanh, Khuẩy Tao thuộc các xã Mẫu Sơn và Công Sơn của huyện Lộc Bình. Diện tích đào ở đây được người dân tính theo khe, bởi đào thường mọc dọc theo các khe, suối chạy quanh núi. Mỗi khe có hàng trăm cho đến cả ngàn gốc đào đủ các lứa tuổi khác nhau. Trong đó, có những gốc cổ thụ từ 60 – 100 năm tuổi.
Trong số những hộ sở hữu vườn đào lớn tại đỉnh núi Mẫu Sơn thì gia đình anh Triệu Sáng Dùng, thôn Ngàn Pặc được cho là có vườn đào cổ trụ trăm tuổi lớn nhất. Thế nhưng, khi được hỏi về những gốc đào trăm tuổi, anh Dùng tỏ ra thản nhiên bảo rằng: “Giờ lấy đâu ra gốc đào trăm tuổi nữa. Người Kinh lên mua hết rồi”. Nói rồi anh cười tươi như hoa mà nói bồi thêm rằng: “Còn mấy gốc đào 40 – 60 tuổi ai mua tôi bán nốt”.
Nghe anh Dùng nói, tôi giật mình tiếc nuối rồi thuyết phục anh đừng bán. Nhưng anh lại nghĩ khác: “Mỗi gốc đào có giá từ 300.000 – 500.000 đồng. Riêng gốc gần trăm tuổi có giá từ 1 - 1, 5 triệu đồng. Nếu bán cả vườn mấy trăm gốc tính ra được 40 – 50 triệu. Mình lấy tiền đó mua 3 con trâu. Đợi mấy năm sau trâu đẻ con ra lại có lãi gấp đôi. Trong khi vườn đào cũ mình trồng gốc mới vào. Nếu chăm tốt thì chỉ 4 năm là có hoa, lại bán gốc nữa thì chắc chắn sẽ ăn nên làm ra”.
Chơi hoa muộn
Lòng vòng qua những cung đường gập ghềnh sỏi đá, chúng tôi gặp thương lái Nguyễn Văn Thuyên ở tỉnh Bắc Giang đang dòm ngó các vườn đào trên đỉnh Mẫu Sơn để chuẩn bị bán vào dịp Tết Nguyên đán. Anh Thuyên cho biết: Giống đào Mẫu Sơn chỉ dành cho dân chơi đào muộn, vì loại này thường nở sau Tết. Năm ngoái, Thuyên tậu được 7 gốc đào cổ có độ tuổi khoảng 100 năm. Sau đó anh đem về Hà Nội bán được 5 gốc với giá 8 triệu đồng/gốc. Hai cây còn lại bán cho dân chơi Nam Định và Hải Phòng với giá 20 triệu đồng.
Chẳng rõ con số mà lái buôn tên Thuyên đưa ra có chính xác hay không, nhưng những người khác cùng hội cùng thuyền với gã lại kháo nhau về mức lợi nhuận lớn hơn rất nhiều. Theo đó, vụ đào năm ngoái Thuyên đem “chiến lợi phẩm” về Hà Nội bán với giá 20 – 50 triệu đồng/gốc đào. Điều đó có nghĩa là Tết năm ngoái gã thu lợi cả trăm triệu đồng sau khi đã trừ tất cả các khoản chi phí.
Khi được hỏi về công việc buôn bán đào tiên, tay buôn đất Bắc Giang cười nhăn nhở tiết lộ: “Mình mua đào trăm tuổi dễ thôi, thậm chí dân còn mong chờ mình đến mua sớm cho “rảnh nợ”. Bởi đào Mẫu Sơn trước đây người ta chỉ dùng ăn quả chứ không chơi hoa. Những gốc đào trăm tuổi, già cỗi rồi nên chỉ có hoa mà không ra quả. Các ông cứ đi hỏi dân quanh vùng này mà coi. Năm ngoái không một gốc đào cổ nào có quả, mà dân bản ở đây thường bán quả đào để lấy tiền chứ đâu có biết chơi hoa hòe gì”.
Nói rồi, Thuyên lại cười nhăn nhở rồi cưỡi lên chiếc xe Minsk cũ mèm ì ạch vượt những cung đường trúc trắc săn đào tiên đem về xuôi bán cho dân chơi đào muộn...
“Mấy năm nay, nhiều cây đào cổ Mẫu Sơn không cho quả. Nếu có thì quả nhỏ như cái chén, trong khi mọi năm thì to như cái nắm tay người lớn. Cả khe đào hàng trăm gốc chỉ bán được 1 – 2 triệu đồng tiền quả. Thế nên, để có thêm tiền ăn Tết, chúng tôi bán cả gốc đào cho dân dưới xuôi chơi cây cảnh. Nếu có ai mua cả vườn thì tôi cũng bán hết để trồng lại cây đào mới”.
Bà Dương Mùi Viển (thôn Ngàn Pặc, xã Công Sơn)