Cước dịch vụ 3G của các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone đã chính thức tăng thêm gần 40% kể từ sáng 16/10 mặc cho người tiêu dùng phản đối.
Cụ thể, cước 3G trọn gói của Viettel (Mimax) và Mobifone (MIU) sẽ điều chỉnh tăng từ 50.000/tháng đồng lên 70.000 đồng/tháng. Vinaphone cho biết cũng tăng giá hai gói MAX và MAXS với mức tăng tương ứng là 20.000đồng và 15.000 đồng. Đặc biệt, gói Dcom Laptop của Viettel đã tăng từ 60 đồng/MB lên 200 đồng/MB, block tính cước là 50 KB (tăng đến 333%).
Bức xúc trước mức tăng vô lý của các nhà mạng, nhiều người tiêu dùng kêu gọi nhau, tẩy chay dịch vụ này.
|
Người tiêu dùng bức xúc vì cước 3G tăng vô tội vạ. Ảnh minh họa. |
Chị Lê Ngọc Hà, ở Hà Đông, Hà Nội cho biết đã nhắn tin hủy dịch vụ 3G của Viettel trên điện thoại ngay trong sáng 16/10. “Tôi định để hết tháng mới hủy vì tôi đăng ký dùng gói Mimax của Viettel nhưng càng nghĩ càng thấy bức xúc với kiểu tăng giá vô lý của các nhà mạng, không quan tâm đến người tiêu dùng nên tôi hủy luôn, không dùng dịch vụ 3G nữa. Bây giờ wifi đầy đường, giảm bớt thời gian vào mạng một chút cũng không sao”, chị Hà cho hay.
Anh Nguyễn Hoàng Long, ở Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội cũng quyết định ngừng sử dụng 3G sau khi các nhà mạng thông báo tăng giá: “Tôi không sử dụng nữa không phải vì tiếc tiền mà do cảm thấy khó chịu với cách làm việc của các nhà mạng. Các nhà mạng phải xem lại chất lượng của mình như thế nào rồi hãy tăng giá. Chất lượng mạng kém ổn định, cơ sở hạ tầng viễn thông thì thô sơ mà tăng giá cứ ầm ầm. Tôi dùng mạng 3G của Vinaphone, lúc vào được, lúc không, thi thoảng đang làm việc quan trọng còn bị ngắt giữa chừng. Tăng giá mà chất lượng dịch vụ không được cải thiện, không đầu tư thêm cơ sở hạ tầng thì thật vô lý, chẳng khác nào móc túi người tiêu dùng”.
Nhiều người cho rằng cách lý giải cho “chiêu, trò” tăng giá của các nhà mạng thiếu thuyết phục và không chính đáng.
“Không nên chỉ so sánh giá cước của Việt Nam với các nước khác, thấy thấp hơn thì cứ tăng trong khi chất lượng dịch vụ, thu nhập bình quân đầu người, lương cơ bản thì không đem ra so sánh. Phải nhìn một cách tổng thể để điều chỉnh sao cho hợp lý chứ các nhà mạng cứ viện ra lý do này, lý do kia chỉ để nhằm mục đích tăng giá thì không thể chấp nhận được”, chị Kiều Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội nêu ý kiến.
Chung quan điểm với chị Hoa, anh Hà Trung Bình, giảng viên ĐH Phòng cháy Chữa cháy cho rằng các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để làm rõ việc tăng giá cước 3G của các nhà mạng xem đã hợp lý chưa để bảo vệ quyền lợi cho ngưii tiêu dùng.
“Kể từ đầu năm, đây đã là lần tăng giá thứ 2 cước dịch vụ 3G của các nhà mạng. Trong khi giá nhân công tại Việt Nam rẻ hơn các nước khác, lương thấp, thu nhập đầu người thấp, chất lượng dịch vụ 3G chưa đảm bảo mà vẫn quyết định tăng giá. Tôi cho rằng phải xem xét yếu tố lợi ích nhóm trong việc bắt tay nhau tăng giá của các nhà mạng bởi khi xã hội, khoa học, viễn thông ngày càng phát triển thì theo quy luật cạnh tranh, giá cước phải ngày càng rẻ hơn”, anh Bình nói.