Kinh hoàng cà phê “độn” đậu nành, phụ gia và nước mắm

Google News

Không chỉ có cà phê "độn" đậu nành, cơ sở này còn dùng hương liệu là... nước mắm dùng để pha chế “tăng độ ngon” cho cà phê.

Theo tin tức trên báo Tuổi trẻ, ngày 15/7, Đoàn thanh tra liên ngành TP.HCM cùng các cơ quan chức năng “đột kích” và phát hiện một số cơ sở rang xay cà phê tại Q.Bình Tân và huyện Bình Chánh sản xuất cà phê “độn” đậu nành.
Khi ập vào một cơ sở ở quận Bình Tân, tổ công tác phát hiện nhiều công nhân đang vận hành hệ thống rang xay cà phê trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh.
Kiểm tra thực tế, tổ công tác phát hiện một lượng lớn sản phẩm cà phê qua sơ chế đóng gói có “độn” đậu nành.
Ngoài ra, tại cơ sở này còn chứa khối lượng lớn đậu nành chưa qua rang xay và loại hương liệu là... nước mắm dùng để pha chế “tăng độ ngon” cho cà phê.
Theo chủ cơ sở, ngoài kinh doanh cà phê “nguyên chất”, ông nhận gia công sản phẩm cà phê “độn” cho nhiều mối hàng, với giá 1.500 đồng/1kg.
Thông thường, cà phê “độn” đậu nành được thực hiện theo yêu cầu của khách với các tỉ lệ 40 đậu nành/60 cà phê hoặc 50 đậu nành/50 cà phê.
Cùng ngày, tại một cơ sở rang xay cà phê ở Bình Chánh, tổ công tác phát hiện lượng lớn cà phê qua sơ chế có “độn” đậu nành, cùng nhiều loại hương liệu, phẩm màu phục vụ cho quá trình chế biến. Tổ công tác niêm phong các lô hàng trên để tiếp tục xác minh, xử lý mức độ vi phạm.
Trước đó, theo thông tin trên báo VTC News, ngày 11/7 vừa qua, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam công bố bảng báo cáo khảo sát cà phê trên thị trường một số tỉnh và thành phố trong thời gian qua.
Không chỉ "độn" đậu nành vào cà phê, cơ sở này còn dùng hương liệu là... nước mắm dùng để pha chế “tăng độ ngon” cho cà phê.
Sau 3 đợt khảo sát từ tháng 5 đến tháng 7/2016, trên các mẫu cà phê bột và cà phê nước tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Sóc Trăng và Lâm Đồng, kết quả cho thấy tổng cộng có tới 9 mẫu cà phê hoàn toàn không phát hiện hàm lượng caffeine.
Cụ thể, từ tháng 6-7/2016, trong 253 mẫu khảo sát thực hiện tại 4 tỉnh thành phố gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Sóc Trăng, có tới 5 mẫu không có caffeine đã được tìm thấy tại các quán cà phê nhỏ (quán cóc); căn tin bệnh viện; cà phê vỉa hè, cà phê bệt và xe đẩy.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy tới 1/3 tổng số mẫu khảo sát có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/lít).
Theo kết quả khảo sát căn cứ trên địa điểm chọn mẫu cho thấy có gần một nửa (47,54%) các mẫu cà phê lấy từ các quán nhỏ, xe đẩy, vỉa hè, và căn tin bệnh viện, có hàm lượng caffeine rất thấp, thậm chí các mẫu tại các địa điểm cà phê bệt, xe đẩy thì hoàn toàn không có hàm lượng caffeine.
Trước đó, tháng 5/2016 một khảo sát nhanh khác của Vinatas trên 25 mẫu nước cà phê tại TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương cũng phát hiện 02 mẫu hoàn toàn không có caffeine.
Ngày 25/6/2016, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng) công bố: Có 02 mẫu không có hàm lượng caffeine trong 100 mẫu cà phê bột tại các cơ sở sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 28/100 mẫu có hàm lượng caffeine < 1,0% (không đạt yêu cầu).
Khảo sát trên cho thấy, thực trạng cà phê không chứa caffeine hay hàm lượng caffeine rất nhỏ trên tổng các quán cà phê xe đẩy, căng tin bệnh viện và vỉa hè chiếm đến 47,54% đang là con số đáng lưu ý.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vương Ngọc Tuấn, phó tổng thư ký Vinastas, cho biết thời gian tới Vinastas sẽ mở rộng khảo sát các địa bàn khác.
Đặc biệt, ngoài việc xác định hàm lượng caffeine, hội sẽ tiến tới xác định các chỉ tiêu khác nhằm làm rõ tạp chất trong bịch cà phê, sản phẩm có đảm bảo an toàn vệ sinh, có chứa độc tố gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân 
hay không.
Theo các chuyên gia, trong nhiều trường hợp, cà phê không chứa cafein là cà phê "giả", được chế biến từ các loại thực phẩm khác nhau và có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng.
Thông tin trên báo Dân trí, một cán bộ Cục vệ sinh An toàn thực phẩm - Bộ Y tế - cho biết hiện nay có quá nhiều loại hóa chất không thể nhớ hết tên và công dụng. Việc các cơ sở sản xuất thực phẩm, thức uống như cà phê chẳng hạn lạm dụng hóa chất là không cần thiết.
Trong công nghệ chế biến thực phẩm, có nhiều công nghệ và công nghệ phát triển, cải tiến từng ngày. Tuy nhiên, có 2 nguyên tắc chung, “bất di bất dịch” trong chế biến thực phẩm, thức uống phải tuân thủ là: tất cả các chất cho vào như tạo màu, tạo bọt, tạo thơm… phải được sự cho phép của Bộ y tế. Chất nào không được phép thì tuyệt đối không được cho vào. Tất cả sản phẩm đều phải công bố hàm lượng, tiêu chuẩn sản phẩm trên nhãn mác, bao bì.
Một chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm cho biết, chất caramen, nếu được sản xuất từ đốt cháy đường thì cũng phát sinh những chất độc hại gây ung thư như các loại thực phẩm bị đốt cháy khác. Chất CNC, nếu là loại được sử dụng trong công nghiệp, có khả năng gây ung thư vì chứa nhiều tạp chất độc hại. Ngay cả loại dùng trong thực phẩm, nếu dùng quá liều cũng độc hại.
Đối với các loại bắp, đậu nành, khi bị rang cháy đen thì không còn giá trị dinh dưỡng; đồng thời chúng sẽ sinh ra ít nhất 20 loại chất độc hại, trong đó có các chất: heterocyclic amines, acrylamide, HCAs... là những chất gây ung thư cho người sử dụng.
Phân biệt cà phê thật với cà phê bột bắp, đậu nành
Theo các chuyên gia nghiên cứu và những người thưởng thức cà phê lâu năm, cà phê nguyên chất khi pha ra, có màu cánh gián chứ không phải màu đen, nước cà phê trong chứ không đục. Cà phê có màu đen sậm là loại có thể chứa phẩm nhuộm phân tán (dùng trong nhuộm vải sợi, rất độc hại cho sức khỏe).
Cà phê pha xong đánh cho lên bọt đó là cà phê có pha hương cà phê, hoặc nguy hiểm hơn là có chất tạo bọt sodium lauryl sulfat. Khi cà phê pha phin, chưa bỏ đường mà đã có vị ngọt, đó là do có caramel có trong đậu nành hoặc bắp rang.
Theo Người đưa tin

Bình luận(0)