Rau “cứu đói” từ quê lên phố mà đổi đời
Người dân miền Bắc, đặc biệt là ở Sapa (Lào Cai) có lẽ không còn xa lạ gì với loại rau mọc hoang mang tên “tề thái”. Loại rau này vừa có thể dùng làm thực phẩm, vừa sở hữu một công dụng khác vô cùng quý giá trong y học.
Cây tề thái ưa ẩm, chịu lạnh tốt, thường mọc ven sông, ven đường và cả trên đồng ruộng ở các vùng nông thôn. Không chỉ có ở Việt Nam, cây tề thái còn mọc nhiều ở Trung Quốc, Pháp và một số nước châu Âu khác.
Trước kia ở Trung Quốc, trong thời kỳ đói kém, cứ đến mùa xuân, người ta lại hái cây tề thái để làm thực phẩm “cứu đói”. Có lẽ vì vậy mà không ít người cho rằng, chỉ những người nghèo đến mức không có thịt để ăn mới phải tìm đến cây tề thái. Thậm chí ở nhiều vùng nông thôn Trung Quốc, người ta thường hái cây tề thái để cho cừu và thỏ ăn.
Tuy nhiên theo thời gian, khi xu hướng ăn sạch lên ngôi, các loại rau sạch, rau rừng ở vùng quê được săn đón tại thành phố, cây tề thái cũng bắt đầu trở thành mặt hàng mang lại giá trị kinh tế cao.
Loại rau này mọc hoang nên không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, lại có giá trị dinh dưỡng cao. Cây tề thái rất giàu canxi, protein, vitamin tổng hợp và nhiều chất dinh dưỡng khác. Tại Trung Quốc, một kg rau tề thái có thể bán với giá 16 - 20 NDT/kg, tương đương hơn 54.000 - 68.000đ/kg.
Giá trị dược liệu cao
Bên cạnh giá trị dinh dưỡng cao, cây tề thái còn là một vị dược liệu quý trong ngành y học, có thể giúp cải thiện khả năng miễn dịch. Đông y và Tây y đều dùng tề thái làm thuốc cầm máu, chữa sốt, lợi tiểu, dùng trong những trường hợp ruột, tử cung xuất huyết, khái huyết, kinh nguyệt quá nhiều.
Theo cuốn “Bản thảo cương mục” (bách khoa toàn thư về thảo dược của Trung Quốc) có ghi rằng: tề thái có khả năng lợi gan, lợi ngũ tạng, rễ có thể dùng để chữa đau mắt, làm sáng mắt, giúp dạ dày mạnh khỏe hơn, hạt có thể hỗ trợ điều trị chứng đau mắt, bổ ngũ tạng, chữa lỵ lâu ngày.