Bảng giá xăng dầu hôm nay 26/9 sẽ được Báo Tri thức và Cuộc sống cập nhật liên tục trong các bản tin thị trường. Để cập nhật nhanh nhất thông tin giá xăng dầu hôm nay, quý vị độc giả vui lòng bấm F5. BTV cập nhật liên tục.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 26/9/2024 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 19/9 của liên bộ Tài chính – Công Thương.
Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 51 đồng/lít, không cao hơn 18.941 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 127 đồng/lít, không cao hơn 19.762 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 122 đồng/lít, không cao hơn 17.043 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 239 đồng/lít, tối đa 17.551 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 359 đồng/kg, không cao hơn 14.826 đồng/kg.
Giá dầu thế giới
Ngày 26/9, giá dầu WTI bất ngờ quay đầu trượt nhẹ bất chấp tồn kho xăng, dầu của Mỹ giảm mạnh. Giá dầu Brent vẫn "neo" tại mức 75,17 USD/thùng.
|
Ảnh minh hoạ. |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/9, giá dầu tăng khoảng 2% lên mức cao nhất trong 3 tuần sau động thái nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, và sự gia tăng lo ngại xung đột ở Trung Đông có thể ảnh hưởng đến nguồn cung trong khu vực.
Thị trường dầu mỏ đã từ bỏ một số mức tăng trước đó khi nhiều khả năng cơn bão nhiệt đới Helene đe dọa vùng duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ sẽ “bỏ qua” hầu hết các khu vực sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên ngoài khơi và tấn công Florida. Khu vực này đóng góp 15% sản lượng dầu và 2% sản lượng khí đốt tự nhiên của Mỹ.
Giá dầu Brent tăng 1,27 USD, tương đương 1,7%, lên mức 75,17 USD/thùng - mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 2-9. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,19 USD, tương đương 1,7%, lên mức 71,56 USD/thùng.
Claudio Galimberti, Giám đốc phân tích thị trường toàn cầu tại Rystad Energy, cho biết: “Việc chính phủ Trung Quốc công bố gói kích cầu kinh tế lớn nhất kể từ đại dịch Covid-19 cùng với căng thẳng địa chính trị gia tăng đột ngột ở Trung Đông đã giáng một đòn mạnh vào tâm lý bi quan vốn thống trị thị trường dầu mỏ trong 3 tuần qua”.
Trong khi đó, tại Trung Đông, khu vực sản xuất dầu mỏ quan trọng, nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực đang ngày một lớn dần khi căng thẳng gia tăng giữa Israel và Hezbollah. Các cuộc không kích của Israel vào Lebanon đang có nguy cơ kéo Iran, thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), tiến gần hơn đến một cuộc xung đột với Israel.
OPEC dự kiến nhu cầu dầu thế giới sẽ đạt 118,9 triệu thùng/ngày vào năm 2045, cao hơn khoảng 2,9 triệu thùng/ngày so với dự kiến trong báo cáo năm ngoái. Báo cáo đưa ra mốc thời gian đến năm 2050 và dự kiến nhu cầu sẽ đạt 120,1 triệu thùng/ngày vào thời điểm đó.