Nông dân Bắc Giang lãi 40 triệu đồng/tháng nhờ nuôi con siêu đẻ

Google News

Anh Vũ Quang Thắng ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã xây dựng, phát triển mô hình nuôi chim bồ câu Pháp đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhờ mạnh dạn và ý chí quyết tâm làm giàu, anh Vũ Quang Thắng ở thôn Ngọc Tân, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) đã xây dựng, phát triển mô hình nuôi chim bồ câu Pháp đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê thuần nông, anh Thắng luôn trăn trở làm sao để phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương chính là động lực giúp anh có được thành quả như hiện nay.
Năm 2012, qua tìm hiểu anh Thắng được biết chim bồ câu Pháp là loại chim có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh, không kén thức ăn, có khả năng sinh sản đều và cao hơn so với các giống chim bồ câu khác.
Do vậy anh đã mạnh dạn đầu tư mua 200 cặp chim bồ câu Pháp của Trung tâm giống gia cầm Thụy Phương về nuôi.
Nhờ chăm chỉ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nuôi chim, học hỏi, bổ túc thêm kỹ thuật nuôi chim bồ câu, đến nay anh Thắng đã phát triển mô hình lên quy mô từ 1.000- 1.500 cặp bố mẹ tùy thời điểm.
Nong dan Bac Giang lai 40 trieu dong/thang nho nuoi con sieu de
 Anh Thắng, nông dân nuôi chim bồ câu Pháp thành công ở thôn Ngọc Tân, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) chia sẻ kỹ thuật nuôi chim bồ câu, cách chăm sóc chim bồ câu Pháp.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp, anh Thắng cho biết: để chim sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất ổn định thì cần có giống tốt; hệ thống chuồng nuôi cao ráo, khô thoáng, đảm bảo mát về mùa hè và ấm về mùa đông.
Về chế độ dinh dưỡng cho chim bồ câu sinh sản cũng rất quan trọng, cần cho chim ăn đủ chất và lượng chứ không nên cho chim ăn quá nhiều hay quá ít.
Thức ăn cho chim chủ yếu là cám công nghiệp trộn với ngô nghiền tùy theo giai đoạn sinh trưởng của bồ câu mà trộn theo tỷ lệ nhất định. Đặc biệt, chất lượng thức ăn luôn phải bảo đảm không bị nấm, mốc để tránh các bệnh đường tiêu hóa cho đàn chim.
Bên cạnh đó, việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn chim và vệ sinh khử trùng chuồng nuôi cũng phải được thực hiện thường xuyên.
Vào thăm khu chuồng nuôi chim chúng tôi nhận thấy hầu như không có mùi khó chịu từ chất thải chăn nuôi.
Theo anh Thắng, để có môi trường thông thoáng định kỳ hàng tháng anh sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải nên hạn chế được mùi tại khu vực chuồng và môi trường xung quanh. Từ đó giảm thiểu các mầm mống gây bệnh, giúp đàn chim sinh trưởng phát triển tốt.
Giống chim bồ câu pháp dễ nuôi, thích hợp với môi trường nuôi nhốt, kháng bệnh cao. Khả năng sinh sản đều và cao, mỗi con bồ câu mái sau 4-5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu, mỗi lứa đẻ hai trứng.
Chim mái nghỉ dưỡng sau 10-15 ngày thì đẻ lứa tiếp theo, trung bình mỗi cặp chim giống đẻ từ 8-12 lứa/năm. Sau khi ấp 16-18 ngày sẽ nở, chim con sau khoảng 25 ngày có thể xuất bán thương phẩm- anh Thắng chia sẻ.
Hiện tại, với 1.000 cặp chim sinh sản, mỗi tháng gia đình anh Thắng xuất bán cho thương lái trong và ngoài tỉnh từ 600-700 cặp chim thương phẩm, giá bán trung bình 140.000 đồng/cặp, trừ chi phí anh “bỏ túi” khoảng 40 triệu đồng tiền lãi.
Từ nuôi chim bồ câu pháp giúp anh Thắng có nguồn thu nhập ổn định, thời gian tới anh tiếp tục phát triển mô hình để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Theo Kim Lan/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)