Khuyến mãi mua 1 tặng 1, giảm giá sản phẩm từ 5 đến 10% và có nơi lên tới 50% hay “thanh lý toàn bộ sản phẩm để trả lại cửa hàng"... là một số chiêu thức mà các cửa hàng kinh doanh áp dụng trong những ngày đầu hè. Người tiêu dùng có thể được lợi, nhưng cũng cần thận trọng
Nhan nhản trưng biển khuyến mãi, giảm giá
Dọc các tuyến phố Cầu Giấy, Chùa Bộc, Đội Cấn, Phạm Ngọc Thạch..., đập vào mắt người tiêu dùng là những tấm biển với dòng quảng cáo của những cửa hàng quần áo thời trang: “Giá sốc - thanh lý toàn bộ cửa hàng”, “ Xả hàng, giảm 50% tất cả các sản phẩm...”. Từ những shop bán hàng sang trọng, mặt tiền to đẹp, đến những cửa hàng nhỏ, đơn giản chỉ là một sạp hàng kê ở vỉa hè... cũng đồng loạt treo biển “giảm giá”.
|
Rất nhiều cửa hàng ở Cầu Giấy-Hà Nội trưng biển giảm giá. |
Có nhiều hình thức được các chủ cửa hàng áp dụng nhằm câu kéo khách và mỗi cửa hàng lại có những mức giảm giá khác nhau. Ghé vào một shop quần áo nữ trên đường Cầu Giấy, nhân viên đã nhanh nhảu mời: “Chị xem hàng đi ạ, nhà em hôm nay tung ra đợt xả hàng cuối cùng, hầu như sản phẩm nào cũng giảm giá 20-30% đấy ạ. Hàng nhà em chuẩn, còn mới nguyên, nhưng chẳng qua hết mùa đông rồi, bán lấy lại vốn, để chuyển sang hàng hè cho kịp...”.
Anh Tuấn - chủ cửa hàng quần áo nam trên phố Đội Cấn chia sẻ: “Hàng quần áo thời trang bây giờ nhiều lắm, hầu như phố nào chả có vài cửa hàng, mà bây giờ kinh tế khó khăn, không dùng các chiêu đó câu khách thì khó làm ăn lắm. Nhiều lô hàng còn chấp nhận lãi ít, lấy công làm lãi”.
Trên vỉa hè, từ quần áo được đổ đống đến những chiếc áo sơ mi Sài Gòn được đóng túi cẩn thận, gấp vuông vắn được quảng cáo với giá 30.000 đồng/chiếc, hoặc áo phông cộc tay 15.000 đồng/chiếc... cũng được bày bán la liệt. Không chỉ có hàng thời trang người lớn, mà quần áo trẻ em cũng giảm giá tưng bừng, cũng nhiều hình thức khuyến mãi.
Vừa bới tung đống quần áo để trên kệ, chị Hằng (Khâm Thiên) vui vẻ nói: “Mình không cần mặc theo mốt, nên đi mua mấy hàng khuyến mại, giảm giá hay xả hàng kiểu này cũng hay. Nếu chịu khó lựa đồ, thì vẫn mua được nhiều thứ ưng ý, mà giá cả lại phải chăng”.
Cũng vừa chọn mua được mấy thứ đồ ưng ý ở cửa hàng trên đường Phạm Ngọc Thạch, bạn Trang (sinh viên Học viện Ngân Hàng) chia sẻ: “Mình có nhiều đồ rồi, nên đi mua hàng khuyến mại giá rẻ này. Thực tế mình chỉ mặc vài lần thôi, nên cũng có thể chập nhận được. Được cái giá cả phải chăng, có cái áo được giảm giá những 50%”.
Cẩn thận khi mua hàng khuyến mãi, giảm giá
Đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng, đó là hay có xu hướng ham đồ rẻ, đồ khuyến mãi, nên nhiều cửa hàng đã thu lợi khá nhiều bằng chiêu thức này. Nhìn thì cứ ngỡ mua được đồ rẻ, nhưng nếu xét về giá trị sử dụng của sản phẩm, thì khách hàng đang bị “hớ” rất nhiều. Nhất là với những đồ hàng hiệu, hàng fake 1 (hàng nhái nhưng giống như hàng thật), với tâm lý “ không biết bao giờ mới đủ tiền mua hàng hiệu, nay tranh thủ nó giảm giá thì mua là có lợi nhất...”. Chính vì lẽ đó, nhiều khách hàng đã phải “cay đắng” khi mua hàng giảm giá, mà thực chất giá lại còn bị đắt hơn lúc chưa giảm...
|
Trên phố Chùa Bộc- Hà Nội. |
Bạn Huyền Châm (Đại học Hà Nội) bức xúc nói: “Mình vừa mua chiếc túi hàng fake 1 ở một cửa hàng trên Hàng Bông, được giảm giá 20%, còn 870 nghìn đồng. Cứ tưởng mua được đồ rẻ, ai ngờ về nhà, đứa bạn cùng phòng bảo bị đắt, vì nó vừa mua cái túi đó ở chỗ khác, giá chỉ có 800 nghìn đồng, giống y nguyên luôn. Nghĩ lại thấy ức quá, chỉ tại cái tội ham đồ giảm giá, không chịu xem xét trước”.
Không chỉ có giá cả, chất lượng của những mặt hàng giảm giá này cũng là điều đáng lo ngại. Bởi có nhiều sản phẩm quần áo đã ố màu, hay đường may lỗi, cũng được bày bán trong đống đồ giảm giá. Cầm chiếc quần sooc bò nữ trên tay, chị Minh Thuý (Cầu Giấy) nhăn nhó: “Thấy cửa hàng bán đồ đổ đống, giảm 50% nên tôi hào hứng vào xem. Mua được cái quần sooc gập gấu 100 nghìn này, cứ nghĩ là rẻ, ai ngờ về nhà xem kĩ, mới tá hoả khi thấy cái gấu quần gập lên, là được dùng băng keo dính vào, chứ không phải là may, mình nhẹ tay giật ra là được luôn. Quần thế này 50 nghìn cũng là đắt”.
Cùng chung tâm trạng với chị Thuý, một khách hàng sau khi mua được cái áo sơ mi nam giảm giá, cũng phàn nàn: “Nhìn thấy cửa hàng to đẹp trưng biển bán thanh lý quần áo để trả cửa hàng, nên tôi tấp xe vào xem, nghĩ đồ thanh lý chắc giá phải chăng. Mãi mới chọn được cái áo kẻ cho ông xã, giảm 30%, ai ngờ về giặt thì phai màu kinh khủng, mà chất vải thì nhăn nhúm, đường may ẩu, khẽ giật nhẹ là sứt chỉ luôn. Nghĩ bụng, với cái giá đã được giảm ấy rồi, mình bỏ thêm vài chục, mua hàng Việt Nam xuất khẩu, thì có phải hay hơn không. Nghĩ mà bực mình ghê!”
Hàng giảm giá, khuyến mãi, nếu lựa chọn kỹ và mua đúng chỗ, thì vẫn có thể mua được những món đồ ưng ý, giá hợp lý. Nhưng nếu chủ quan, không kiểm tra kỹ sẽ dễ mua phải hàng chất lượng không xứng với giá tiền, hoặc bị mua đắt.
Vì thế, kinh nghiệm mua hàng giảm giá, khuyến mãi là nên chú ý lựa chọn đồ thật kỹ trước khi mua, nên chọn những cửa hàng đông người vào mua, hay những cửa hàng có thương hiệu, để phần nào chất lượng được đảm bảo. Với những món hàng có giá trị lớn, nên tham khảo ở nhiều nơi trước khi mua, để có sự so sánh, giá cả, chất lượng trước khi quyết định mua.