Choáng với chi phí "khủng" in tiền mệnh giá nhỏ

Google News

(Kiến Thức) - Ngân hàng Nhà nước phải bỏ ra khoảng 300 tỷ đồng phục vụ riêng việc in tiền mệnh giá nhỏ. Chi phí in ấn gấp 3-5 lần mệnh giá đồng tiền đó. 

Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo chính thức về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt Tết nguyên đán 2014, trong đó có quyết định không in mới tiền đồng mệnh giá từ 2.000 đồng trở xuống và sẽ đưa tiền lẻ đã qua sử dụng ra lưu thông để phục vụ nhu cầu sử dụng tiền lẻ của người dân.
Quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước dù là tin buồn cho những người hay đi chùa chiền đầu năm, nhưng lại nhận được đa số ý kiến ủng hộ của giới chuyên gia cũng như người dân.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội, việc in tiền dù là mệnh giá lớn hay mệnh giá nhỏ cũng đều phải dựa vào nhu cầu lưu thông tiền tệ của nền kinh tế, chứ không dựa vào nhu cầu riêng của một nhóm người nào.
 Hình ảnh tiền được rải ở nhiều nơi tại các đền chùa, khu di tích đã gây phản cảm, làm xấu đi nét đẹp văn hoá tín ngưỡng Việt.
Trong điều kiện hiện tại, quyết định không in thêm tiền mệnh giá nhỏ là một quyết định đúng đắn, nhất là vào thời điểm cận Tết và ngay sau Tết. Bởi vào những thời điểm này, khi lượng tiền lẻ mới được đưa vào lưu thông thì chỉ một phần của lượng tiền này được dùng làm phương tiện thanh toán, số còn lại được sử dụng chủ yếu cho các hoạt động chùa chiền, lễ hội, tín ngưỡng. Sau Tết, các chùa chiền lại thu gom số tiền này rồi làm các thủ tục kiểm đếm, gửi ngân hàng. Như vậy, số tiền này lại quay về ngân hàng, rất khó đưa trở lại lưu thông.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao cũng chính là nguyên nhân làm phát sinh loại hình kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân, ảnh hưởng tới việc lưu thông tiền tệ và môi trường cảnh quan các khu di tích, đền, chùa, lễ hội.
Nhìn dưới góc độ văn hóa, xã hội, nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, tại các đền, chùa, khu di tích, hình ảnh tiền đặt đầy các ban thờ, mâm lễ, tượng Phật, thậm chí rải ra cả các sông, suối, giếng, đường vào các khu di tích trông rất phản cảm, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa trong đời sống tín ngưỡng dân gian và làm xấu đi hình ảnh của đồng tiền Việt Nam. Những việc làm đó xuất phát từ việc chúng ta chưa hiểu về việc phát tâm công đức. Đến chùa lễ phật cần bằng chính tâm của mình. Chúng ta cần vận động cho người dân thấy không nên sử dụng tiền lẻ tràn lan, lãng phí mà còn là bảo vệ nét đẹp văn hoá tín ngưỡng Việt.
 Nhu cầu tiền lẻ mới tăng cao cũng chính là nguyên nhân làm phát sinh loại hình kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch, ảnh hưởng tới cảnh quan các khu di tích, đền chùa. 
Ngay cả Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng phải thốt lên trong một cuộc họp báo liên quan tới vấn đề này: “Ai đã từng đi Chùa Hương nhìn suối Giải Oan trắng tiền ném từ trên cáp treo xuống; ở Đền Hùng thì tiền vứt xuống kín cả Giếng Ngọc, rồi ở chùa, đền phủ tiền lẻ đặt tràn lan, cài cả trên tay Phật sẽ thấy đó là những hình ảnh rất phản cảm, chưa kể làm như vậy còn là hủy hoại đồng tiền, trái pháp luật”.
Theo ông Tú, mỗi năm, Ngân hàng Nhà nước phải bỏ ra khoảng 300 tỷ đồng phục vụ riêng việc in tiền mệnh giá nhỏ.
“Chi phí in ấn gấp 3-5 lần mệnh giá đồng tiền đó, lượng tiền lẻ mới sử dụng tại lễ hội, đền chùa quá nhiều và chỉ mới “xuất” ra lưu thông trước Tết, sau một thời gian ngắn lại ùn ùn theo xe chạy về kho quỹ Ngân hàng Nhà nước và chi nhánh các tỉnh, đến mức nhiều nơi không còn chỗ chứa. Ngân hàng Nhà nước phải căng mình ra bảo quản các loại tiền này, rất tốn kém và lãng phí”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú phân tích.

Minh Hiếu

Bình luận(0)