Tất toán xong thẻ tín dụng đã hơn ba năm, sáng 19/11 chị H. (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nhận được điện thoại từ ngân hàng Đông Á thông báo vẫn còn nợ... 1 đồng. Nhân viên ngân hàng cho biết, “vì món nợ này nên thẻ của chị chưa được tất toán”, và đề nghị trừ tiền từ thẻ ATM để đóng thẻ tín dụng. Đây là lần thứ hai chị H. gặp rắc rối với những món nợ không thể trả được này. Lần đầu tiên sau khi thẻ tín dụng hết hạn, chị H. đã thanh toán đầy đủ tiền cho ngân hàng (NH) nhưng mỗi tháng sau đó đều đặn nhận được tin nhắn từ NH thông báo còn nợ vài chục đồng. Sợ vướng nợ xấu nên chị phải đến NH yêu cầu xử lý. Sau đó chị không còn nhận được bất kỳ thông báo nhắc nợ nào cho đến khi nhận được cuộc điện thoại vào ngày 19/11.
Qua trao đổi với chị H., nhân viên NH không lý giải vì sao có món nợ này, chỉ nói rằng trên hệ thống ghi nhận như vậy. Nhân viên NH cũng nói rằng trường hợp chị H. không phải cá biệt, vì vậy NH đang phải rà trên hệ thống để xử lý. “Lý do vì sao đã đóng thẻ mà vẫn phát sinh nợ, và vì sao đến hơn ba năm sau NH mới thông báo cho tôi?” - chị H. bức xúc. Cũng theo chị H., với những món nợ như thế này khách hàng không biết trả như thế nào vì nó quá nhỏ. Trong khi đó, NH không có quỹ nào đó để xử lý thay vì gọi điện thoại đòi nợ làm khách hàng cảm thấy phiền phức.
Nhiều chủ thẻ tín dụng dù đã hoàn tất thủ tục đóng thẻ và chấm dứt sử dụng nhưng vẫn chưa thể dứt nợ với ngân hàng.
Đại diện một NH có thế mạnh về thẻ nói, thực tế có những trường hợp khoản nợ phát sinh trên hệ thống chưa thấy được, phải 30-35 ngày sau mới thể hiện, khi đó NH sẽ truy đòi. Tuy nhiên, vị này nói thường những khoản nợ quá nhỏ thì NH có quỹ riêng để xử lý, chứ không yêu cầu khách hàng thanh toán. Hơn nữa, gọi điện thoại thông báo những khoản nợ thế này khách hàng sẽ có cảm giác bực bội vì bị quấy rầy.
Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng cá nhân ACB, nói chủ thẻ có thể yêu cầu NH làm rõ vì sao có khoản nợ này, là phí hay lãi chậm trả, đồng thời yêu cầu NH cam kết sẽ không phát sinh nữa. “NH làm vậy là quá máy móc và nguyên tắc, vì cước phí gọi điện thoại để thông báo cho khách hàng còn lớn hơn rất nhiều so với món nợ 1 đồng” - ông Phát nói.
Theo đại diện Hiệp hội Thẻ VN, về nguyên tắc trước khi đóng thẻ, NH phải thông báo đầy đủ cho khách hàng, thay vì để sự việc kéo dài đến tận hôm nay. “Thời gian kéo dài như vậy rất có thể món nợ dù rất nhỏ cũng đã biến thành nợ xấu và thông tin khách hàng đã được đưa lên Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay của NH sau này. Tuy nhiên, bà Lý Thị Ngọc, Giám đốc trung tâm thẻ NH Đông Á, nói với món nợ nhỏ như vậy thì không có chuyện đưa thông tin lên CIC, vì quá nhỏ và không đáng.
Bà Ngọc cũng thừa nhận, lẽ ra việc này NH phải xử lý sớm hơn thay vì để đến hôm nay. Tuy nhiên, có thể là khoản nợ quá nhỏ nên nhân viên NH đã quên. Nay đang trong đợt tổng rà soát NH mới thấy và đã điện thoại thông báo.
Giải thích về khoản nợ 1 đồng, đại diện NH Đông Á cho biết, kỳ sao kê cuối cùng của chị H. số tiền là 11.559 đồng, chị H. đã thanh toán khoản tiền này vào ngày 25/8/2010, nhưng do ngày chốt sao kê của NH là ngày 15 hằng tháng nên số tiền lãi chưa phát sinh trên hệ thống. Kỳ thanh toán tiếp theo vào tháng 6/2010, số lãi phát sinh là 86 đồng, sao đó cộng dồn lên 131 đồng và chị H. đã thanh toán. Tuy nhiên, do NH chốt sao kê vào ngày 15 hằng tháng nên sau đó tiếp tục phát sinh nợ 1 đồng. Đến đây NH chốt lại và không tính lãi nữa vì số tiền quá nhỏ. “Lẽ ra số tiền này NH sẽ tự xử lý, nhưng việc quản lý nợ lại thuộc phòng ban khác và họ xử lý theo nguyên tắc” - vị đại diện này nói và cho biết sau phản ảnh của chị H., NH đã tự xử lý khoản nợ 1 đồng này thay vì trích từ tài khoản của khách hàng.