Cụ thể, lãi suất tiết kiệm VND kỳ hạn từ một đến dưới 6 tháng giảm từ 7% xuống 6%/năm. Lãi suất huy động tối đa bằng USD cũng giảm từ 1,25% xuống 1%.
Ngoài ra, các mức lãi suất điều hành khác cũng được điều chỉnh cùng thời điểm: Tái cấp vốn giảm từ 7% xuống 6,5%/năm. Lãi suất chiết khấu từ 5% còn 4,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn của Ngân hàng Nhà nước với các nhà băng từ 8% được điều chỉnh xuống 7,5%/năm. Lãi suất trên OMO theo đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng giảm từ 5,5% xuống 5% /năm.
Trần lãi suất huy động đối với một số lĩnh vực ưu tiên cũng giảm một điểm phần trăm. Theo đó, các khoản vay nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ cao được giảm lãi suất từ 9% xuống 8%/năm.
Như vậy, sau gần 9 tháng và cũng là lần đầu tiên trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã giảm các lãi suất điều hành. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước có 2 đợt điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm, từ 8% về 7% một năm. Bước giảm 1%/năm ở trần lãi suất huy động VND là khá mạnh, nhưng phù hợp với diễn biến trên thị trường hiện nay.
Theo Ngân hàng Nhà nước, quyết định cắt giảm các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lạm phát được kiềm chế ở mức thấp (chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2014 tăng 0,55% so với tháng 1 và tăng 1,24% so với cuối năm 2013); thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo trước và sau dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ; lãi suất, tỷ giá và thị trường tiền tệ ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, hoạt động sản suất - kinh doanh vẫn còn khó khăn.