Thấy gì từ “hiệu ứng” giảm lãi suất của Vietcombank?

Google News

(Kiến Thức) - Thông thường, khi một ngân hàng quốc doanh tiên phong giảm lãi suất là dấu hiệu quan trọng để các ngân hàng khác giảm theo...

Liệu dòng tiền từ dân cư chảy vào ngân hàng có giảm khi lãi suất tiền gửi không còn hấp dẫn và lãi suất cho vay có thể được kéo xuống?

“Hiệu ứng” Vietcombank  có lan tỏa tới các NHTM?


Bất ngờ trước động thái cắt giảm lãi suất tiền gửi của “ông lớn” Vietcombank nhưng các ngân hàng thương mại (NHTM) khác vẫn khá thận trọng xem có thể giảm lãi suất trong thời gian tới hay không.

Thông thường, khi một ngân hàng quốc doanh tiên phong giảm lãi suất, là dấu hiệu quan trọng để các ngân hàng khác giảm theo. Thực tế, động thái của Vietcombank cắt giảm lãi suất tiền gửi (kéo trần lãi suất huy động từ 7,5%/năm (kỳ hạn 1 tháng) xuống chỉ còn 6%/năm, 2 tháng còn 6,5%/năm… khiến một số ngân hàng khác, nhất là NHTM cổ phần khá bất ngờ.

 

Một vị chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng cổ phần có trụ sở tại Hà Nội nhận xét: “Chưa rõ họ (VCB) đánh giá thị trường ra sao mà giảm mạnh như vậy. Chúng tôi đang cho nhân viên nắm tình hình và báo cáo để xem có thể giảm lãi suất trong thời gian tới hay không”.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cho rằng: “Sau động thái giảm lãi suất của Vietcombank, chúng tôi cũng đang xem xét tình hình thêm vài ngày tới mới có thể đưa ra quyết định cụ thể như thế nào. Tốc độ tăng trưởng tín dụng tại Sacombank từ đầu năm đến nay khoảng 4%, trong đó tốc độ cho vay đối với doanh nghiệp cũng chưa tăng mạnh lắm, khách hàng vay chủ yếu vẫn tập trung vào cá nhân, cán bộ công nhân viên là chính. Doanh nghiệp cũng đang có tâm lý chờ hết quý 2 xem tình hình kinh tế có sáng sủa hơn hay không mới quyết định vay ngân hàng”.

Giảm lãi suất huy động là xu hướng tất yếu


Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng việc giảm lãi suất huy động tại thời điểm hiện nay là xu hướng tất yếu, do vốn huy động tại các ngân hàng hiện nay tăng nhanh còn cho vay khá chậm.

Số liệu của NHNN cho thấy trong bốn tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng chỉ có 1,4% so với cuối năm 2012 (đến ngày 23/4), trong khi huy động vốn tăng 5,34%. Huy động nhiều mà cho vay ít, các ngân hàng buộc phải giảm lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm đẩy mạnh cho vay hơn. Hơn nữa, lạm phát bốn tháng đầu năm chỉ ở mức 2,41% so với cuối năm ngoái, nên các ngân hàng không thể neo lãi suất cao mãi được.

Trong suy nghĩ của người gửi tiền, việc cắt giảm lãi suất huy động sẽ làm họ cân nhắc hơn khi khoản tiền dành dụm, gửi tiết kiệm ngày một sinh lãi ít đi. TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương cho rằng, việc giảm lãi suất huy động là cần thiết để giảm lãi suất cho vay, nhưng nếu các ngân hàng cắt giảm quá mạnh, sẽ tạo ra tâm lý cho người gửi tiền khiến họ e ngại, có thể không đưa dòng vốn này vào ngân hàng mà vào các kênh khác như vàng, USD…Bên cạnh đó, việc tiếp tục giảm lãi suất huy động có thể tác động không thuận lợi tới ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối vì giảm sự hấp dẫn của đồng Việt Nam.

Quan trọng là giảm lãi suất cho vay

Thực tế, còn không ít doanh nghiệp vẫn phàn nàn lãi suất cho vay còn cao. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn thép Việt Đức, cho rằng lãi suất cho vay phải kéo xuống mức 9-10%/năm thì doanh nghiệp mới có thể kinh doanh có lãi.

Ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng với việc lãi suất huy động giảm mạnh thời gian qua, lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1-2% so với hiện nay nếu các ngân hàng chủ động cắt giảm chi phí. Bởi thực tế chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động vẫn ở mức cao, khoảng 4-5%. Khoảng cách này nếu giảm còn 3-3,5%, chắc chắn lãi suất cho vay sẽ hạ được ngay.

TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia có đề nghị các ngân hàng không chỉ giảm lãi suất huy động, quan trọng hơn là tính tới việc giảm lãi suất cho vay. Theo TS. Ngoạn, lãi suất thấp hiện nay tập trung ưu đãi cho một số đối tượng, còn đa phần doanh nghiệp khác đang ngần ngại với mức lãi suất cho vay 15%/năm vì lo làm ăn khó có lãi.

Trong khi đó, theo phân tích của các chuyên gia, khó khăn của doanh nghiệp không hẳn là vấn đề lãi suất vay quá cao mà còn ở các nhân tố về khả năng tiêu thụ sản phẩm, vấn đề hàng tồn kho của doanh nghiệp, môi trường kinh doanh, tài sản bảo đảm... Phần lớn doanh nghiệp cho rằng, mối lo lớn nhất hiện nay là tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là khi năng lực tiếp cận thị trường vẫn còn ở mức thấp. Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 18/4/2013, có tới 73% doanh nghiệp phản hồi cho rằng hàng tồn kho thực sự là mối lo ngại.

NHNN: Dư địa giảm mặt bằng lãi suất không còn nhiều


Thực tế trong 4 tháng đầu năm, NHNN điều hành phù hợp với chủ trương của Chính phủ về giảm dần mặt bằng lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2013, NHNN đã chủ động nghiên cứu, đánh giá mặt bằng lãi suất thị trường, mối tương quan với các chỉ số kinh tế vĩ mô và xây dựng phương án điều hành lãi suất của NHNN.

Theo đại diện NHNN, sau khi điều chỉnh giảm từ 0,5-1%/năm các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động (từ ngày 26/3, trần lãi suất tiền gửi VND các kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng giảm còn 7,5%/năm) thì dư địa để giảm mặt bằng lãi suất không còn nhiều, do còn khá nhiều yếu tố có thể tác động khiến lạm phát vượt mục tiêu như điều chỉnh tăng giá than, điện, tăng lương tối thiểu, tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế ở các địa phương...

Nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2013 tăng 2,6%, nhưng nếu xét đến lạm phát cơ bản thì 4 tháng tăng 2,94% và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012. Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận việc tiếp tục giảm lãi suất huy động có thể tác động không thuận lợi tới ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối vì giảm sự hấp dẫn của đồng Việt Nam.

Trong điều kiện hiện nay, thu ngân sách đạt thấp, đầu tư khu vực nhà nước giảm, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp không phải là lãi suất mà là xử lý hàng tồn kho, trong khi chính sách tiền tệ thời gian qua đã được khai thác tối đa, thì việc sử dụng chính sách tài khóa kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác mới là cơ bản, không nên chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ và tiếp tục giảm lãi suất. 

Đại diện NHNN cũng khẳng định với mục tiêu của Chính phủ phấn đấu đưa lạm phát xuống dưới 7%, điều hành lãi suất huy động khoảng 7,5%/năm như hiện nay thì lãi suất cho vay khoảng 10-12%/năm là phù hợp. Khi tình hình kinh tế tốt hơn theo đúng Nghị quyết của Đại hội Đảng, lạm phát được kiểm soát thấp hơn thì sẽ có điều kiện giảm thấp hơn nữa lãi suất cho vay.

TIN BÀI LIÊN QUAN:






TIN BÀI ĐỌC NHIỀU:



Linh Anh

Bình luận(0)