Chính sách ngân hàng "gây bão" năm 2013

Google News

(Kiến Thức) - Năm 2013, không ít chính sách mới đã được thực hiện, góp phần thay đổi diện mạo ngành tài chính - ngân hàng Việt.

Lãi suất ngân hàng xuống thấp nhất
Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm 2% các mức lãi suất điều hành; giảm 3%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên; giảm 1% lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi và từ cuối tháng 6 cho phép các tổ chức tín dụng tự ấn định lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Mặt bằng lãi suất theo đó cũng giảm 2 - 5%/năm so với năm 2012 và trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Đến cuối năm, lãi suất các khoản vay cũ đã về dưới 13%/năm, lãi suất cho vay các khoản mới kỳ hạn ngắn chỉ còn 8 - 9%/năm.
Tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng
Tỷ giá năm 2013 chỉ điều chỉnh có 1,3%, thấp hơn so với mục tiêu 2 - 3% NHNN đề ra. Vào cuối năm tỷ giá tại các ngân hàng thương mại niêm yết phổ biến ở mức 21.085 - 21.125 đồng (mua - bán), thấp hơn so với mức 21.100 - 21.246 đồng/USD tại Sở Giao dịch NHNN.
Nhờ tỷ giá ổn định, NHNN đã mua vào được lượng lớn ngoại tệ từ phía các ngân hàng thương mại. Dự trữ ngoại hối năm 2013 ước khoảng 30 tỷ USD, tức tăng 50% so với năm 2012 và tăng gấp đôi so với năm 2011.
 
Đẩy mạnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng
Năm 2013 chứng kiến sự tăng tốc của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng đã và đang diễn ra khá mạnh mẽ, chủ yếu thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện.
Điển hình, WesternBank sáp nhập với PVFC thành PVcomBank, DaiABank sáp nhập vào HDBank; HDBank mua công ty tài chính SGVF của Pháp; UOB của Singapore chính thức tìm hiểu GPBank và có thể mua đứt ngân hàng này; nhóm nhà đầu tư mới mua 85% cổ phần của TrustBank và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. Nhiều ngân hàng cũng đang tìm nhà đầu tư nước ngoài để bán cổ phần như Sacombank, HDBank, MB, ABBank, SouthernBank...
Đến nay, số lượng tổ chức tín dụng giảm đi 6 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể; NHNN đã thu hồi giấy phép 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, chuyển đổi hình thức 3 chi nhánh, chuyển đổi Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương thành Ngân hàng Hợp tác xã.
Lần đầu tiên đấu thầu vàng miếng
Để bình ổn thị trường vàng, năm 2013, NHNN bắt đầu tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng. Từ phiên đấu thầu đầu tiên diễn ra ngày 28/3/2013, tính đến ngày 20/12/2013, đã có 75 phiên đấu thầu vàng miếng với tổng cộng 1.799.900 lượng (tương đương 69,2 tấn) vàng miếng được bán ra, trên tổng số 1.912.000 lượng chào thầu.
 
Một nửa trong số vàng miếng trúng thầu được các tổ chức tín dụng dùng để tất toán trạng thái vàng, nửa còn lại được đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân. Vốn vàng đã chính thức ra khỏi hệ thống, dư nợ cho vay bằng vàng đến cuối năm 2013 chỉ còn khoảng 5 tấn.
Nhờ động thái quyết liệt của NHNN cũng như nỗ lực bình ổn thị trường vàng qua các phiên đấu thầu và biến động giảm của vàng thế giới, giá vàng trong nước cuối năm chỉ còn 35 triệu đồng/lượng, giảm 11 triệu đồng lượng so với cuối năm 2012, kéo chênh lệch giá vàng nội ngoại chỉ còn khoảng 4 triệu đồng/lượng.
Thành lập công ty xử lý nợ xấu quốc gia
Ngày 9/7/2013, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thành lập. Nửa tháng sau đó, NHNN tổ chức ra mắt VAMC và ngày 1/10/2013 VAMC bắt tay vào mua món nợ xấu đầu tiên của Ngân hàng Agribank.
VAMC ban đầu mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Trái phiếu này được tổ chức tín dụng mang lên NHNN vay với lãi suất tái cấp vốn thấp hơn 2% so với lãi suất tái cấp vốn do NHNN quy định tại từng thời điểm. Tổ chức tín dụng được vay tái cấp vốn tối đa bằng 70% giá trị trái phiếu đặc biệt.
Chỉ sau 3 tháng triển khai, VAMC đã mua được 36.000 tỷ đồng nợ xấu, vượt mục tiêu ban đầu. Ngoài ra, VAMC còn thay đổi tư duy bán nợ của các tổ chức tín dụng, từ việc bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng có nợ xấu 3% đến sự tự nguyện bán nợ của các tổ chức tín dụng có nợ xấu dưới 3%.
Đến nay tỷ lệ nợ xấu đã giảm còn 4,55% trên tổng dư nợ, tốc độ tăng nợ xấu cũng đã chậm lại, chỉ còn 2,2%/tháng.
 
Làn sóng cắt giảm nhân sự
Làn sóng cắt giảm nhân sự diễn ra ồ ạt trong năm 2013. Đối với những nhân sự cấp cao, điển hình là VIB thay 2 Tổng giám đốc chỉ trong 3 tháng; SCB, NamABank cũng thay Tổng giám đốc; Eximbank thay Tổng giám đốc và một loạt nhân sự cấp cao khác sau khi nguyên Tổng giám đốc được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Ủy ban giám sát tài chính quốc gia; TrustBank thay đổi HĐQT; Vietcombank có tổng giám đốc mới sau khi tổng giám đốc cũ lên làm phó Thống đốc; Techcombank thay CEO ngoại bằng một Tổng giám đốc nội...
Đối với nhân sự cấp trung và cấp thấp, ACB cắt giảm hơn 1.000 nhân sự; Maritimebank tuyên bố giảm hơn 1.400 nhân sự; Eximbank có kế hoạch giảm 1.000 nhân sự; SHB giảm hơn 300 người; Vietcombank giảm gần 200 nhân viên...
Cùng với giảm nhân sự, năm 2013 nhiều ngân hàng cũng cắt giảm lương của nhân viên từ 10 - 20% để tiết giảm chi phí hoạt động.
Ngân hàng thương mại thừa ngoại tệ, thiếu người vay
Cuối 2013, nhiều ngân hàng thương mại dư thừa ngoại tệ trong khi các doanh nghiệp vẫn khá thờ ơ với việc vay vốn ngoại tệ. Tại TP.HCM, cho vay ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn giảm tới 20,57%.
Dư nợ tín dụng ngoại tệ giảm nên nhu cầu mua ngoại tệ của doanh nghiệp khi đến hạn thanh toán cũng giảm khoảng 30%. Nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất huy động USD có thể tiếp tục giảm về mức 0% từ mức 0,25% hiện tại.
Xin hoãn áp dụng Thông tư 02 để tránh đổ vỡ hệ thống
Thông tư 02 quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với các tổ chức tín dụng được ban hành đầu năm 2013, thời điểm áp dụng ban đầu là 1/6/2013. Tuy nhiên, do điều kiện "sức khỏe" của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp chưa đủ để "chịu được" sức nặng tác động của những quy định mới, NHNN đã xin ý kiến Chính phủ và hoãn áp dụng trong 1 năm, đến 1/6/2014.
Cuối năm 2013, nhiều lãnh đạo ngân hàng cùng lúc kiến nghị NHNN xem xét tiếp tục hoãn áp dụng Thông tư 02 thêm một thời gian, thậm chí đến 2015 và 2016. Tuy nhiên, đại diện NHNN cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng không thể trì hoãn thêm nữa.
Bắt đầu thu phí ATM
Từ 1/3/2013, Thông tư số 35 của NHNN cho phép thu nhiều loại phí như phí rút tiền từ ATM nội mạng, phí vấn tin tài khoản, phí in sao kê, phí chuyển khoản bằng thẻ tại ATM...
 
Nhiều ngân hàng cho rằng việc thu phí là để bù đắp chi phí bỏ ra, nhưng thực tế các ngân hàng đã âm thầm thu nhiều loại phí khác nhau từ trước đó. Mặc dù chịu nhiều ý kiến phản đối từ người dân, nhưng nhiều ngân hàng lớn đã đồng loạt thu phí ngay khi được phép. Một số ngân hàng nhỏ tiếp tục chính sách miễn thu phí cho đến hết năm 2013.
Diên Lệ (tổng hợp)

Bình luận(0)