Trao đổi với Kiến Thức, tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, năm 2013, ngành ngân hàng đã tạo nên nhiều dấu ấn quan trọng, để lại nhiều thành công bước đầu trong toàn bộ bức tranh kinh tế của Việt Nam. Đó là việc ngành ngân hàng đã bước đầu ổn định được nợ xấu, ổn định được tỷ giá, ổn định tình hình ngoại hối, thị trường vàng có chuyển biến và góp một phần không nhỏ vào việc kiềm chế lạm phát. Hoạt động tín dụng cũng được kiểm tra, kiểm soát hết sức chặt chẽ.
Ông Kiêm phân tích: Việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã phần nào cho thấy bức tranh nợ xấu khổng lồ đang tồn tại trong ngành ngân hàng. Qua đó, các phương thức giải quyết nợ xấu cũng được đưa ra để từng bước khắc phục tình trạng vốn là bài toán đau đầu của các ngân hàng nói riêng và Ngân hàng Nhà nước nói chung. Việc tổ chức các phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước đã tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp, bình ổn được thị trường vàng.
|
Ảnh minh họa: Internet. |
Theo tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, những gì ngành ngân hàng làm được trong năm 2013 sẽ tạo tiền đề cho những thành công tiếp theo của ngành này trong năm 2014.
Việc nguồn vốn dư thừa trong năm 2013 sẽ tăng cung ứng vốn trong năm 2014, tạo điều kiện cho việc cung ứng vốn tới các doanh nghiệp, công ty được tốt hơn.
Năm 2013, hệ thống ngân hàng đã bước đầu được sắp xếp lại với việc sáp nhập, xóa sổ một vài ngân hàng yếu kém, hoạt động không hiệu quả. Sang năm 2014, hệ thống ngân hàng sẽ được tái cơ cấu toàn diện hơn.
Sự dịch chuyển nợ xấu trong năm 2013 hứa hẹn sẽ được giải quyết triệt để vào năm 2014. VAMC đã bắt đầu xử lý nợ, trong năm 2014 sẽ xóa bỏ hoàn toàn nợ xấu cho các ngân hàng, doanh nghiệp.
Năm 2014, ngành ngân hàng sẽ chuyển sang hoạt động kinh tế thị trường một cách nghiêm túc hơn, tạo điều kiện để ngành này sửa nhanh hơn những hạn chế đã tồn tại quá lâu trong ngành, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của nền kinh tế.
Như vậy trọng trách của ngành ngân hàng trong năm 2014 là rất lớn. Theo đó, những khó khăn mà ngành sẽ gặp phải cũng là con số không nhỏ.
Trao đổi với Kiến Thức, ông Nguyễn Tuấn Linh, Phó giám đốc chi nhánh Ba Đình của Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) đưa ra những nhận định về nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Ông Tuấn Linh cho hay: Năm 2014 có thể nói là năm quyết định vận mệnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam khi mà phải đối mặt với một loạt các thách thức và khó khăn lớn nhất từ khi bắt đầu nền kinh tế thị trường đến nay. Cũng như các nền kinh tế trên thế giới đã từng gặp phải, giờ đây, hệ thống ngân hàng Việt Nam phải vượt qua cuộc khủng hoảng về nợ xấu và tình trạng bất động sản thế chấp giảm giá sâu cũng như các giao dịch nhà đất bị đóng băng. Việc chưa hoàn thiện về hành lang pháp lý cũng là một khó khăn đối với các ngân hàng trong việc giải quyết những khoản nợ xấu.
Từ việc giải quyết nợ xấu, các ngân hàng mới nhận thấy có quá nhiều kẽ hở, quá nhiều rủi ro từ các yếu tố chủ quan lẫn khách quan dẫn tới phải rất thận trọng và dè dặt khi quyết định cho vay. Do đó, dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng đi xuống, tiền bị ứ đọng trong khi các doanh nghiệp khát vốn lại không có khả năng để vay do không thỏa mãn yêu cầu của ngân hàng.
Doanh nghiệp thiếu vốn khiến vòng quay cung cầu bị gián đoạn và hậu quả là lại càng có thêm nhiều doanh nghiệp đi xuống, thậm chí là phá sản và nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng lại tăng lên. Cái vòng luẩn quẩn đó nếu không được tháo gỡ trong năm 2014 có thể dẫn tới sự đổ vợ của một số định chế tài chính lớn của Việt Nam và gây ra những hậu quả khôn lường cho toàn hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế của cả nước nói chung.
Sang năm 2014, nhìn chung các ngân hàng đều trông ngóng ở Chính phủ có những quyết sách mạnh mẽ và hợp lý để cứu vãn tình trạng giải quyết nợ xấu. Việc này rất khó khăn và đòi hỏi sự hi sinh không khác gì một cuộc cách mạng để thay đổi những cách làm, những quan niệm và tư duy đã lạc hậu để bước sang một giai đoạn phát triển mới.