Tại cuộc họp về kết quả thi hành án đầu năm 2016 do Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức chiều 11/3, ông Vũ Quốc Doanh, quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP HCM cho biết tổng số tiền phải thi hành án trong vụ án Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM, đã lĩnh án tù chung thân) khoảng 14.000 tỷ đồng.
Đến nay còn phải thi hành án để sung công quỹ nhà nước gần 11.000 tỷ đồng, bồi thường cho các ngân hàng, tổ chức cá nhân gần 3.000 tỷ đồng.
|
Cách thức chiếm đoạt tiền ngân hàng và doanh nghiệp của Huỳnh Thị Huyền Như. |
Tuy nhiên, Cục thi hành án dân sự TP HCM đã đưa hơn 9.000 tỷ đồng vào diện “không có khả năng thi hành án”.
Theo ông Doanh, hiện 22 tài sản nhà, đất của Huỳnh Thị Huyền Như đã bị kê biên, nếu phát mãi sẽ thu được khoảng 500 tỷ đồng.
Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã có văn bản đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bàn giao các giấy tờ bản chính liên quan đến số tài sản này. Tuy nhiên, cho đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra mới chỉ cung cấp cho Cục Thi hành án dân sự TP HCM bản sao giấy tờ nhà, đất, vì vậy, Cục thi hành án dân sự TP HCM không xử lý tài sản kê biên được.
|
Huỳnh Thị Huyền Như. |
Báo cáo của Tổng cục thi hành án dân sự còn cho thấy trong số việc còn đang tổ chức thi hành có nhiều vụ việc có giá trị phải thi hành lớn, lên tới hàng nghìn tỷ, như vụ án tại Vinashin, Vinalines, Công ty đầu tư tài chính II (Vũ Quốc Hảo), Ngân hàng phát triển Đắk Lắk, vụ Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên)...
Tuy nhiên, đây đều là những vụ án kinh tế lớn liên quan đến nhiều người phải thi hành án, có tính chất phức tạp, khó thi hành, số tiền thi hành xong rất nhỏ so với tổng số tiền còn phải thi hành; quá trình thi hành án mất nhiều thời gian, gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xử lý số tiền bị phong tỏa tài khoản, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản.
Tổng cục thi hành án cho biết nhiều tài sản là nhà xưởng, hệ thống thiết bị máy móc... rất khó bán, dù giảm giá nhiều lần nhưng không có người mua.