Chất vấn BT Tư pháp: Số tiền thiệt hại vụ Huyền Như đi đâu?

Google News

(Kiến Thức) - ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) nêu vấn đề, vụ Huyền Như gây thiệt hại tới 4.000 tỷ đồng, nhưng thu hồi tài sản chỉ dưới 10%. Vậy phần lớn kia đi đâu?

Mở đầu phiên chất vấn sáng nay 12/6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường sẽ được QH dành 40 phút thời gian còn lại để tập trung làm rõ về hơn 300 văn bản sai quy định
Trước đó, vào cuối phiên chất vấn chiều qua, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm rõ hơn về 312 văn bản bản chưa bảo đảm về chất lượng, thiếu tính khả thi, không bảo đảm thống nhất, đồng bộ, thậm chí có dấu hiệu không hợp hiến, hợp pháp như ĐB nêu bởi đây là vấn đề nghiêm trọng mà Bộ trưởng chưa trả lời kỹ.
 Bộ trưởng Hà Hùng Cường. 
Bộ trưởng Hà Hùng Cường tiếp tục nhận được hàng loạt câu hỏi của các ĐB QH, trong đó 5 ĐB chất vấn cuối cùng là ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ), ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM), ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) và ĐB Nguyễn Bá Thuyền sẽ nhận được câu trả lời trong sáng nay.
Trong đó, là người nêu chất vấn cuối cùng, ĐB Nguyễn Bá Thuyền đưa ra câu hỏi Bộ trưởng có nghĩ đến việc sẽ đề xuất với Chính phủ mở rộng quyền làm chủ của người dân để họ được khởi kiện các văn bản sai quy định?
ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) cho rằng cử tri hoan nghênh thời gian qua đưa đã đưa ra xét xử nhiều đại án về kinh tế. Riêng vụ Huyền Như gây thiệt hại tới 4.000 tỷ đồng. Nhưng cử tri rất buồn về thu hồi tài sản trong những vụ án này rất thấp, chỉ khoảng dưới 10%. Vậy phần lớn kia đi đâu? Phải chăng cứ đi tù là xong?
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm rõ thêm về việc ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.
Bộ trưởng Cường nói: “Trước tiên, về số liệu kết quả kiểm tra văn bản, có ĐB lấy từ số liệu trong báo cáo của CP số 126 ngày 12/5/2014. Theo đó từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến hết 30/4/2014, trong tổng số 1574 văn bản được kiểm tra,, Bộ Tư pháp phát hiện 312 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, chiếm khoảng 0,5%. Trong số này có 54 văn bản sai về nội dung.
Cũng có ĐB lấy số liệu từ báo cáo số 132 của Bộ Tư pháp. Theo báo cáo này, tính từ tháng 10/2013 đến 30/4/2014, Bộ phát hiện 79 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.
Đây đều là những số liệu thống nhất nhưng kỳ báo cáo có khác nhau.
Về tình hình xử lý, trong số 54 văn bản sai về nội dung theo báo cáo của Chính phủ, sau khi Bộ Tư pháp trao đổi, có 19 văn bản được các cơ quan soạn thảo sửa ngay như TT số 24/2013 của Bộ GD-ĐT quy định thêm một số đối tượng được ưu tiên cộng điểm… do không còn phù hợp với thực tiễn.
Sau khi Hiến pháp có hiệu lực, đất nước chuyển sang giai đoạn mới về nhà nước pháp quyền, tiếp tục để có các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật thì không thể chấp nhận được, mặc dù số lượng chiếm tỷ lệ không cao. Cũng cần phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Tới đây hàng tháng Bộ đều có báo cáo tình hình kiểm tra văn bản để Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Trả lời chất vấn của ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) về làm rõ thêm kết quả thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ mà QH giao về thi hành án dân sự theo NQ 37, Bộ trưởng Cường cho biết có 2 chỉ tiêu chủ yếu mà QH giao là bảo đảm chính xác, đúng pháp luật trong xác minh, phân loại việc và tiền có điều kiện thi hành và chưa có điều kiệnk thi hành. Hai là trên cơ sở phân loại án đó, chỉ tiêu phải thi hành xong 88% về việc và 77% về tiền.
“Căn cứ vào kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2014 và sự phục hồi dân của nền kinh tế, sự ấm lại của thị trường bất động sản, chúng tôi tin tưởng rằng năm 2014 sẽ đạt được chỉ tiêu QH giao”, Bộ trưởng Cường nói.
Minh Hiếu

Bình luận(0)