Các nhà khoa học đã tiên đoán thực vật chứa trong lòng các đại dương là nguồn thực phẩm gần như vô tận cho con người trong tương lai một khi nguồn thực phẩm trên quả đất đã cạn kiệt. Ngay bây giờ, người đã sử dụng rong biển làm thức ăn ngày càng phổ biến. Nhưng trên thực tế, người ta vẫn còn sử dụng rất nhiều các loại thịt, đặc biệt là thịt gia súc gia cầm.
Ở đây tôi chỉ xin đề cập đến thức ăn phổ biến là thịt gà. Thịt được cung cấp từ các trại nuôi gà. Gà được nuôi nhốt trong những lồng chật hẹp. Mục đích là hạn chế sự hoạt động của con gà, để những năng lượng chuyển động ấy biến thành thịt, biến thành trứng.
|
Ảnh minh họa.
|
Ngày qua ngày, con vật chỉ thấy khối thức ăn trước mặt nên chỉ biết ăn và ăn. Thời gian tăng trọng được tính bằng ngày. Chưa thỏa mãn với mỗi con gà một quả trứng mỗi ngày, người ta dùng chất kích thích để gà đẻ 2 quả trong 24 giờ. Kết quả là sau một thời gian nuôi nhốt, đúng ra sau thời gian khai thác, con gà trở nên xơ xác, chúng thường ăn lông lẫn nhau.
Số phận sau đó của những con gà này chỉ có người chủ trang trại biết. Có thể chúng được hóa kiếp để thành những miếng gà rán ngon lành trong các nhà hàng fastfood ngày nay rộ lên ở các đô thị lớn, thu hút đông giới trẻ đến.
Và miếng gà rán trông ngon lành nhưng lại lãnh đủ. Về vật chất, các chất hóa học tồn dư trong thức ăn gia súc hàng ngày vẫn còn trong đó. Các độc tố đó theo miếng gà rán đi vào cơ thể người ăn, tích tụ lại trong gan, trong cơ thể và đến một lúc đủ liều lượng nó gây chứng bệnh này hay bệnh khác, đặc biệt là ung thư. Chưa bao giờ người ta phát hiện nhiều người bị mắc chứng bệnh thế kỷ này. Cứ đến các bệnh viện ung bướu thì biết, bệnh nhân nằm la liệt ngoài hành lang, cả trên các lối đi.
Còn năng lượng uất ức của con vật do con người giết mổ biến đi đâu, nếu không nói là cuối cùng, là người tiêu dùng. Từ đó ta dễ dàng nhận biết một bộ phận những trẻ em thành phố bị thừa cân béo phì, phát triển không bình thường và thiếu sự cân đối.
Sự việc trở thành trầm trọng khi chính phủ Mỹ vừa công bố các quy định mới hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc và gia cầm nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Biện pháp đó chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Thật khó hiểu trong lúc ở phương Tây có những hội bảo vệ súc vật hoạt động khá mạnh. Người chủ một con chó có thể bị phạt nếu ông ta có hành động mà người ta cho là hành hạ nó. Hoặc có nhiều hội bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường lên án việc săn bắn sát hại thú hoang dã. Thế mà ở những xứ ấy, vẫn tồn tại những cách khai thác những gia súc một cách man rợ khủng khiếp. Đơn cử một thí dụ cụ thể: trong ngành chăn nuôi ngỗng lấy gan làm pa-tê gan (một món ăn được ưa thích của không ít người), người ta bắt con ngỗng há miệng rồi dùng cái phểu đổ thức ăn vào, dù con vật không muốn ăn. Hậu quả sau một thời gian gan con ngỗng sưng to bất thường. Đến một lúc người ta giết con vật để khai thác lá gan đó để biến thành một món khoái khẩu.
Thiết nghĩ chúng ta, những người tiêu dùng thông minh hơn, hẳn sẽ có cách giải quyết vấn đề rốt ráo hơn. Giải pháp không phải mới lạ, mà đã được vị Thầy - Đức Phật với tuệ giác toàn diện đã chỉ đường mở lối từ hơn 2.500 năm về trước.
Xin kể lại một chuyện tích xưa. Một thời Đức Phật ở nước La-duyệt-kỳ. Cách đô thành này 5 trăm dặm có vùng núi,với một xóm 122 người sống bằng nghề săn bắn thú rừng. Họ không biết làm ruộng. Một hôm Ngài đến xóm ấy lúc tất cả đàn ông đi vào rừng cả. Trong làng chỉ còn phụ nữ và trẻ con. Trước sự trang nghiêm của Đức Thế Tôn, họ đã lễ lạy và ngồi quanh Ngài. Nhân đó, Đức Phật nói cho họ biết cái tội của sự sát sinh và cái phước của sự nhân từ.
Con người thiếu gì cái ăn được. Tại sao không thể ăn những gì tốt hơn mà cứ phải giết sinh vật để sống và sa vào chỗ khổ. Chúng ta có thể ăn ngũ cốc. Hãy biết thương và xót xa khi các giống sinh vật bị cưỡng đoạt mạng sống để bị biến thành thực phẩm hàng ngày.
Lúc ấy các người đàn ông trở về, nghe thuật lại câu chuyện trên và lúc đầu họ tức giận, toan hành hung, làm nhục Đức Phật. Nhưng được các bà vợ can ngăn, chớ nên nổi ác ý với Ngài. Sau đó, với sức bình tĩnh và sự thuyết phục của những người đã may mắn diện kiến Đức Thế Tôn, cảm nhận được sự thần kỳ và đáng kính, họ hối hận hết sức, cùng nhau đến trước Phật lễ lạy Phật. Nhân đó, Đức Phật một lần nữa nói lại cho họ rõ về cái phước không sát sinh và cái tội tàn hại sinh mạng.
Sau đó, Đức Phật đến gặp Bình Sa vương, người đang cai quản vùng này, cũng là một Phật tử, và đã đề nghị nhà vua cấp ruộng đất cho người dân ở ngôi làng đó, để họ có điều kiện sinh sống, chuyển đổi nguồn thực phẩm săn bắn thú rừng bằng lúa gạo, các loại ngũ cốc. Ngôi làng này trở nên thanh bình, êm ấm.
Câu chuyện trên được dẫn lại “Hợp tuyển truyện tích” do HT.Thích Trí Quang biên tập. Chuyện xưa nhưng thông điệp thì rất thời đại, như kinh Phật vẫn vậy.
Thói quen dùng thịt gia súc làm thực phẩm đã trở thành cố hữu trong số đông. Việc chuyển đổi nguồn ăn là một việc khó. Như phản ứng của những người đàn ông ở ngôi làng chuyên săn bắn kia. Nhưng để duy trì sự sống và để có sự phát triển cân đối, tránh việc do thói quen, sở thích ăn uống mà bị động tiếp nhận những độc tố vào cơ thể, để sau đó lâm bệnh, mắc những căn bệnh nan y, thì con người cần phải nhìn lại.
Hạn chế nguồn thực phẩm làm từ thịt gia súc, đến việc không dùng các thức ăn thịt động vật, mà chuyển qua thực phẩm sạch, ngũ cốc, các loại thực vật tự nhiên hợp lý là một trong những cách để tránh bệnh tật thời đại, đồng thời nuôi dưỡng tình thương, lòng nhân từ, để cuộc sống được cân bằng, có ý nghĩa hơn.
Lòng nhân phải chỉ là một giá trị tinh thần. Sự cảm hóa của lòng nhân từ trải rộng ra, góp phần rất quan trọng trong việc tiến tới sự an toàn thực phẩm, an toàn cuộc sống, an toàn quốc gia.