Xin bái biệt Đại lão HT.Thích Trí Tịnh

Google News

Trân trọng giới thiệu cùng Tăng Ni Phật tử, bạn đọc toàn văn của lời tưởng niệm này.

Trước Giác linh đài cố Đại lão HT.Thích Trí Tịnh, Đệ nhất Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN, Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Tăng sự T.Ư, Phó Chủ tịch UB T.Ư MTTQVN; HT.Thích Chơn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, thay mặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đọc lời tưởng niệm.
 Giác linh đài - nơi tôn trí kim quan cố Đại lão Hòa thượng thượng Trí hạ Tịnh. Ảnh: Bảo Toàn.
Giác Ngộ Online trân trọng giới thiệu cùng Tăng Ni Phật tử, bạn đọc toàn văn của lời tưởng niệm này:
"Trước khi cử hành lễ phụng tống kim quan Đại lão Hòa thượng nhập Bảo tháp, nơi an nghỉ ngàn thu của trần thế, chúng tôi xin được thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài có đôi lời tưởng niệm.
Kính bạch Giác linh Đại lão Hòa thượng,
Trong Pháp giới duyên sinh vô tận, bậc thượng nhân ngũ uẩn xuất trần, mượn tứ đại làm thân tác tắc, giữa phàm trần chẳng nhiễm hồng trần. Nước sông Tiền thao thao dòng Phật thủy, xứ Đồng Tháp gió quyện mây từ, đất Tịnh Biên duyên lành kết trái, trời Sài thành một đời thọ mạng, biển trí tuệ chan hòa bản thể, quyết đạt thành đại nguyện, bỏ ngoài ngàn dặm lòng tham dục, để lẽ huyền vi còn mãi trong tâm.
Rồi đến độ Tâm Bồ-đề khai phát, Đại lão Hòa thượng đã phát chí xuất trần, chùa Vạn Linh xả tục cầu chân, gieo nhân giải thoát, nêu cao chí cả, xả kỷ lợi tha, thực hành Bồ-tát đạo, được Bổn sư ban Pháp húy Nhựt Bình, hiệu Thiện Chánh, thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41.
Trong buổi đầu xuất gia học đạo, suốt bao năm vun bồi cội đức, Đại lão Hòa thượng đã thường hằng tinh tấn, nỗ lực chuyên cần công phu công quả. Trải qua các Phật học đường Tây Thiên, Báo Quốc nơi đất Thần kinh, Hòa thượng đã nỗ lực nghiên tầm giáo điển, ngày đêm ôn tầm bối diệp, tinh sưu nghĩa lý, thấu lẽ huyền vi, đạo tâm trác thế, trí tuệ khai thông, tâm hoa khai phát, suối nghĩa rạt rào. Quả thật:
“Hương thiền gió lộng tỏa ngàn phương
Trăng sáng năm xưa ngập dặm đường
Hương lòng quyện tỏa từ độ ấy
Mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”.
Sau khi thọ Sa-di giới tại chùa Quốc Ân, Đại lão Hòa thượng được Đại sư Trí Độ ban cho Pháp hiệu Trí Tịnh. Để viên mãn Tam đàn giới pháp, trường tuyển Phật - chùa Long An, Sa Đéc, Đại lão Hòa thượng được đăng đàn thọ giới Tỳ-kheo. Kể từ đây, ngôi Tam bảo Tam tôn kế vị, xứng danh bậc sứ giả Như Lai, thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh, trau dồi trí đức, giới thể châu viên, giới đức trang nghiêm như ngọc sáng, Đạo thể viên dung. Quả thật:“Nào ai biết được trời không ấy, một bậc chân nhân hiện giữa trần”.
Trên bước đường trở thành bậc tri thức Phật học uyên thâm, với hạnh nguyện Đại thừa, Đại lão Hòa thượng đã vào đời bằng tinh thần đại sĩ, nêu cao gương uy mãnh giữa rừng tà, gióng trống lôi âm, vang rền tiếng pháp. Đạo đời hòa quyện, một thể viên dung, chan hòa pháp giới. Từ vùng đất miền Tây Nam bộ trù phú bao la cò bay thẳng cánh, đến chốn Sài thành hoa lệ - hòn ngọc viễn đông, Đại lão Hòa thượng đã tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, hóa độ chúng sinh, phát huy chân lý Đạo vàng một cách trong sáng và tích cực qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử; từ Giáo hội Tăng già Nam Việt, GHPGVNTN đến GHPGVN, đâu đâu, nơi nào, thời nào Đại lão Hòa thượng cũng hết tâm hành đạo. Quả thật! “Công Ngài đổ xuống đất này, cho hoa Đạo pháp ngày ngày xanh tươi”.
Trong công tác giáo dục, Đại lão Hòa thượng là một trong những vị Cao Tăng Phật giáo Việt Nam vào những thập niên 40, 50 của thế kỷ 20 và của thế kỷ hôm nay. Đại lão Hòa thượng đã có công rất lớn trong việc thành lập và giảng dạy tại các Phật học đường miền Nam Việt Nam, từ Phật học đường Phật Quang, Liên Hải, Phật học đường Nam Việt, Phật Học viện Huệ Nghiêm, Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, Đại học Vạn Hạnh v.v…
Đại lão Hòa thượng là bậc Thầy trong công tác Giáo dục, là nhà Giáo dục mô phạm của Phật giáo Việt Nam trong mọi thời đại. Có thể nói, Đại lão Hòa thượng đã đào tạo được nhiều thế hệ Tăng Ni tài đức, Phật tử hữu danh, có ích cho Đạo lẫn đời, hiện đang phục vụ các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, trong nước và nước ngoài, góp phần xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam qua từng giai đoạn, để cho “Hoa đời hoa đạo đua nhau nở, mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”.
Trong công tác phiên dịch và trước tác, Đại lão Hòa thượng đã để lại trong kho tàng Tam tạng Phật giáo Đại thừa nhiều bản kinh, sách bằng tiếng Việt có giá trị để Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam tụng đọc, nghiên cứu, tham học, trở về cội nguồn giáo lý như lời Phật dạy.
Với ân đức uy nghiêm, đạo tâm trác thế, trí huệ viên dung, tòng lâm thạch trụ, bậc mô phạm cho đàn hậu học, trong gần trăm năm trụ thế, 70 năm đóng vai long trượng chốn rừng thiền, mỗi lời pháp của Đại lão Hòa thượng là khơi nguồn trí huệ; mỗi việc làm của Đại lão Hòa thượng là mở lối tương lai, mỗi cử chỉ của Hòa thượng là thể hiện sự khoan dung độ lượng, lòng từ chan chứa. Đại lão Hòa thượng chính là hình ảnh giải thoát vô ngại, là lẽ sống muôn đời cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước học tập và noi theo. Như Cổ đức đã nói: “Nước chảy theo khe nào có ý, mây tuôn đỉnh núi vẫn vô tâm”.
Khi nước nhà thống nhất, giang sơn nối liền một dãi, Bắc Nam sum hợp một nhà, trong tinh thần hòa hợp, tứ chúng đồng tu, Đại lão Hòa thượng đã cùng chư tôn đức các tổ chức, Hệ phái Phật giáo Việt Nam tiến hành sự nghiệp thống nhất Phật giáo cả nước, kế thừa truyền thống 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm nay.
Với cương vị lãnh đạo trong Giáo hội, Đại lão Hòa thượng đã dành nhiều tâm huyết, công sức để làm cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển trang nghiêm vững mạnh trên mọi phương diện, nhất là vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được khẳng định trên trường quốc tế, thế giới biết đến Việt Nam, Phật giáo Việt Nam ngày càng rõ nét, quan hệ tốt đẹp hòa bình. Quả thật: “Năm châu bốn bể là huynh đệ, chung sống bên nhau bảo vệ hòa bình”.
Trải qua nhiều nhiệm kỳ, qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử và xã hội, Đại lão Hòa thượng đã có những cống hiến cao quý, với trọng trách là người đứng đầu Giáo hội, Đại lão Hòa thượng đã cùng chư tôn đức lãnh đạo cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra những quyết sách, hoạch định chương trình hoạt động Phật sự mang tầm chiến lược lâu dài, tích cực tham gia vào việc xây dựng và phát triển đất nước, kế thừa truyền thống “phụng đạo - yêu nước, tốt đời đẹp đạo” của ngàn năm Phật giáo Việt Nam.
Trên ý nghĩa trang nghiêm ngôi Tam bảo là trang nghiêm Tịnh độ tại thế gian, báo Phật ân đức và báo đáp công ơn của Thầy Tổ, Đại lão Hòa thượng đã nỗ lực trùng tu chốn Tổ chùa Vạn Linh, chùa Vạn Đức, thiền viện Quảng Đức - trụ sở Văn phòng II T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, để những nơi đây xứng đáng là chốn phạm vũ huy hoàng tại nhân gian.
Thế hệ Tăng Ni, Phật tử hôm nay và mai sau là những người thừa hưởng sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam, thừa hưởng gia tài quý báu mà Đại lão Hòa thượng đã thể hiện bằng sự sống, bằng hành động và bằng ý chí của bậc xuất trần thượng sĩ.
Quả thật: “Hạnh nguyện sáng soi gương kim cổ, ân đức chan hòa chốn không môn”. Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ luôn luôn tiếp tục phát triển ở chiều rộng lẫn chiều sâu bằng cách sống, bằng hành động, vì Đạo pháp và Dân tộc phục vụ không biết mỏi mệt trên lộ trình thừa hành Phật sự.
Hôm nay, trăng lạnh phương bào, mây mờ viên đãnh, Đại lão Hòa thượng đã thuận lý vô thường, trở về với Pháp giới Chân như, để lại một sự mất mát to lớn cho Giáo hội, chúng tôi và Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước không sao tìm lại được trong kiếp người hữu hạn. Song công đức và đạo hạnh của Đại lão Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư và ký ức của mọi người. Nhất là đèn thiền còn tỏa sáng, đuốc huệ tiếp tục rạng soi, chư tôn Giáo phẩm, toàn thể Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam mãi mãi nguyện đoàn kết một lòng trong tình Pháp lữ, nghĩa Linh Sơn trong sáng đời đời.
Tất cả chúng tôi là những người bạn đồng hành, đồng sự còn ở lại, nguyện kề vai thích cánh bên nhau, nối tiếp sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, lợi lạc chúng sinh, duy trì và phát triển ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng trang nghiêm, phát triển bền vững, góp phần thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội”.
Trong giây phút nghìn thu vĩnh biệt, trước linh đài khói hương quyện tỏa, chúng tôi thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, Tăng Ni và Phật tử có đôi lời tưởng niệm để vĩnh biệt bậc chân nhân sáng ngời gương đạo hạnh.
Kính nguyện Giác linh Đại lão Hòa thượng bất vong nguyện lực, tái hiện đàm hoa, phát triển đạo vàng, quang vinh họ Thích; xin đốt nén tâm hương cúng dường Giác linh Đại lão Hòa thượng để gọi là thể hiện mối tâm giao, tình Pháp lữ đời đời trong Chánh pháp.
Quả thực:
“Từ chơn như, Người đến ba miền
Nay viên tịch, trở về chín phẩm
Tông phong, Tổ ấn gởi lại non sông
Giáo hội kính ghi công đạo hạnh
Thế gian còn lưu mãi bóng chân nhân”.
Cuối cùng, trong thế giới Niết-bàn vô tung bất diệt, Pháp thân hiện hữu khắp mười phương, nơi bảo tháp Phù Thi trang nghiêm, thân tứ đại Hòa thượng hãy an nghỉ cho nghìn thu vang bóng, mãnh hình hài lồng lộng tợ hư không, sẽ sống mãi trong lòng Pháp lữ, trong tư duy cùng Pháp giới vô biên.
Xin bái biệt Hòa thượng!
Theo Giác Ngộ

Bình luận(0)