HỎI: Tôi là Phật tử hiện còn độc thân. Từ nhỏ tôi đã muốn ăn chay trường vì hợp khẩu vị hơn ăn mặn nhưng do chưa đủ duyên lành nên chỉ ăn chay kỳ. Nay tôi đã đi làm và phát nguyện ăn chay trường. Hiện nhiều người xung quanh đều khuyên tôi nên ăn chay kỳ mà không nên ăn chay trường vì thiếu dinh dưỡng, về lâu dài sẽ sinh ra nhiều bệnh. Xin hỏi những lời khuyên đó có đúng không?
|
Ảnh minh họa. |
Những lúc gặp người ăn xin (khuyết tật, có con nhỏ) tự nhiên tôi cảm thấy thương tâm vô cùng nên tôi hay cho họ một ít tiền. Gần đây, một người bạn nói rằng không nên cho theo cảm tính như thế, báo đài cũng thường đăng nhiều vụ lừa đảo lợi dụng lòng tốt mọi người để lấy tiền đã làm cho tôi hết sức hoang mang. Không biết rồi đây gặp những hoàn cảnh như thế tôi có nên cho nữa không? Nếu không cho thì lòng tôi cũng ray rứt vì họ rất tội nghiệp.
(TÂM THANH, giothoang.dn1987@gmail.com)
ĐÁP:
Bạn Tâm Thanh thân mến!
Các nghiên cứu về ẩm thực và dinh dưỡng gần đây cho thấy không hề có chuyện ăn chay trường là “thiếu dinh dưỡng, về lâu dài sẽ sinh ra nhiều bệnh”. Ngược lại, người ăn chay có thể giúp giảm bớt một số bệnh tật và sống lâu hơn. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu bạn đã ăn chay đúng cách hay chưa? Ăn chay đúng cách là biết xây dựng thực đơn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Không chỉ ăn chay mà ăn mặn cũng thế, nếu không cân bằng dinh dưỡng, quá thừa hoặc quá thiếu là nguyên nhân căn bản gây ra nhiều bệnh tật.
Người Phật tử được khuyến khích ăn chay một tháng ít nhất là hai ngày, nhiều hơn thì càng tốt. Điều cần lưu ý khi thực hành ăn chay (nhất là đối với những người lao động tiêu hao nhiều năng lượng) là tránh ăn theo kiểu khổ hạnh hoặc qua quýt cho xong bữa. Ăn chay theo cách này thì nguy cơ suy dinh dưỡng rất cao. Mục đích của ăn chay là để nuôi dưỡng tâm từ bi, nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Ăn chay đúng cách là một trong những biểu hiện của lối sống khoa học và văn minh. Do đó, nếu cơ thể của bạn thích hợp với thực phẩm chay và bạn biết xây dựng thực đơn một cách khoa học, phù hợp với thể trạng thì hãy yên tâm với lựa chọn của mình.
Đối với vấn đề bố thí, đây là pháp tu căn bản của hàng Phật tử. Bố thí là hành động thiết thực tạo ra phước báo cho hiện tại và mai sau. Bạn đã có những xúc cảm thật đẹp, rất nhân văn với cuộc sống vui ít khổ nhiều này thì nên nuôi dưỡng và vun đắp để lòng từ và bi mẫn ngày càng lớn thêm.
Mặc dù hiện nay, có không ít trường hợp giả làm hành khất để lợi dụng lòng tốt của người khác, lười biếng lao động nên lấy việc ăn xin làm nghề, và đã có khuyến nghị từ các ban ngành chức năng về việc không nên bố thí theo cảm tính nhưng xem ra đó chỉ là giải pháp tạm thời, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Trong bối cảnh xã hội hiện tại, khi mà các vấn đề từ thiện xã hội của nhà nước cũng như các hội đoàn chưa được triển khai đồng bộ, toàn diện và nhất quán, nếu không kịp thời bố thí cho những người cơ nhỡ thật sự thì cũng thật oan uổng và đáng tiếc.
Nên người Phật tử luôn nuôi dưỡng từ bi, thực hành bố thí nhưng phải phát huy trí tuệ để những hạnh lành của mình sẽ đóng góp thiết thực cho xã hội. Có thể bố thí cho những trường hợp cụ thể (hoặc không cụ thể) thông qua lời kêu gọi của các tổ chức, hội đoàn từ thiện hợp pháp. Mặt khác, người Phật tử có thể bố thí trực tiếp cho những trường hợp mà mình biết chắc là cơ nhỡ, cần được cứu giúp thật sự.
Riêng đối với những trường hợp thương cảm mà mình gặp bất chợt trong cuộc sống, lòng từ bi của mình chợt dâng trào, dù mình không biết họ là hành khất thật hay giả thì cũng nên mở rộng tấm lòng. Thiết nghĩ, trong điều kiện kinh tế hiện nay, khá nhiều người có thể dễ dàng mời người không quen một ly nước hay một bữa ăn mà lòng vẫn nhẹ nhàng và thanh thản. Quán niệm việc bố thí này là cho mình chứ không phải cho người. Vì cho thì có thể ta bị “lầm” nhưng nếu không cho thì có thể ta bị “lỗi”, nhất là để thui chột tâm từ bi, nghi ngờ tất cả rồi vô cảm với cuộc sống là lỗi không nhỏ. Nên từ bi và trí tuệ cần phải song hành trong mọi hành vi và ứng xử của người Phật tử để mình và người luôn được lợi ích, an vui.
Chúc bạn tinh tấn!