Nhiều người biết và thường ngân nga câu hát “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, nhất là khi... gặp phải những nỗi buồn, bất trắc hoặc gần như đã bước qua bên kia dốc - của hướng đi về phía bờ sâu, vực thẳm. Nên, câu hát ấy coi ngắn gọn vậy nhưng giống như một thần chú, giúp mình tỉnh, bước ra khỏi cơn mê mà chính mình đã tạo, đang dẫn mình đi xa, đánh mất chính mình, không còn tự chủ hoàn toàn, hành xử hơi bị... điên!
|
Ảnh minh họa.
|
Nhưng, giá như ta thường “trì tụng” câu thần chú đó - mỗi ngày - để mỗi sớm mai thức dậy mình biết mỉm cười chào ông mặt trời, nghe tiếng chim và vui rộn trong lòng; hay từ từ thở vào, thở ra thật nhẹ, ý thức mình còn sống đây để mà vui với hiện tại mình hiện hữu giữa cuộc sống này, tuy không hơn ai, nhưng cũng hạnh phúc hơn nhiều người, nhiều loài khác.
Tư duy tích cực là cách để mình không hững hờ với mình, đóng góp cho cuộc đời một nhân tố an bình, như một bông hoa trong vườn rộng, giữa muôn ngàn lá cỏ, giữa những héo rũ quanh mình.
Thay vì trách người bạc bẽo, mình sẽ thương họ sống chi mà lạ lùng, để rồi một mai phải mang lấy quả báo chẳng lành. Thay vì đau đớn, hận những người đã gây oan nghiệt cho mình, cho người xung quanh mình sẽ thấy họ đáng thương ở chỗ mờ mờ mịt mịt, bất chấp mà tạo nhân xấu cho cuộc đăng trình giông bão kiếp này hoặc kiếp sau, nhiều kiếp sau nữa...
Rồi lại nghĩ, rằng, những bão giông trên lộ trình làm người hay tu tập không phải là vô nghĩa, ngược lại, nếu mình biết diệu dụng thì nó sẽ giúp mình vững chãi hơn. Sau một cơn đau của thân-tâm, mình sẽ có kinh nghiệm về nỗi đau, sẽ sáng ra vài điều và biết đâu sẽ có thể chữa trị được những nỗi đau, bệnh tật tương tự, giúp mình và người nếu họ “đồng bệnh”.
Đôi khi cũng cần được tiêm vào mình một ít virus, tất nhiên đã được làm yếu đi để kháng thể được sinh ra. Cũng vậy, đôi khi tâm hồn cũng cần một ai đó... làm tổn thương chút ít, chứ ai cũng khen, cũng hòa theo mình, đồng thuận với mình hết thì có khi mình dễ tự cao, tự mãn...
Trong cuộc sống, lắm lúc ta nghĩ rằng chăm chút cho bản thân thật kỹ chính là thương, là làm cho mình tốt hơn, nên có khi ta đã bằng mọi cách, mọi giá để thỏa mãn những đòi hỏi của cơ thể, của những ý muốn ngược ngạo trong mình. Và, mình đã nuôi lớn ích kỷ, nuôi lớn lòng tham, cái tôi trong mình nở ra đến mức không còn kiểm soát được nó. Mình sẽ khổ! Đó là kết quả đương nhiên của sự nuông chiều bản thân và tâm ý, khổ vì cứ phải chạy theo những ước muốn không biết dừng, không biết đủ và khổ vì mình sẽ phải tạo những nhân xấu - rồi sẽ hưởng quả đắng, chát, chua, cay cho những hạt giống mà mình đã gieo trồng.
Do vậy, có những lúc, ta nghĩ là mình đang thương mình, nhưng kỳ thực mình lại hững hờ với mình nhiều nhất. Chính vì thế mà Bụt - một bậc trí sáng, tình thương rộng lớn, bao dung mới thị hiện để chỉ cho mình một con đường thương mình, thương người một cách trung dung, vừa giúp mình thăng hoa trong đời sống vừa giúp người ngộ ra những giá trị của tình thương, hiểu biết, để kiến thiết một cuộc sống tốt đẹp đúng nghĩa.
Đó là con đường trung đạo, ít muốn biết đủ, không nuông chiều bản thân cũng không phụ bạc nó, làm gì cũng nghĩ tới hậu quả để dừng trước “vạch an toàn” - là những barie giới luật.
Thực sự, nếu mình đã thuộc như cháo câu “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” thì mình sẽ bắt đầu học cách thương mình, biết trân quý phút giây được sống và sống là biết quả nhơn rõ ràng, không chạy đâu mà khỏi được hết để rồi dần sửa mình (từ ý - khẩu - thân), làm cho mình thật sự yên-an trong mọi hoàn cảnh, mỗi ngày đều vui với cuộc sống của mình, sống một một ngày đúng nghĩa tự do, không ràng buộc chi hết...