Ác mộng

Google News

Ngoài các nguyên nhân bệnh lý, ác mộng còn là biểu hiện của ác nghiệp trong quá khứ.

HỎI:

Tôi là Phật tử, gần đây toàn nằm mơ thấy ác mộng: lúc thì thấy quái vật dữ tợn, lúc thì thấy rất nhiều hài nhi bị bỏ rơi và đầy máu xung quanh (mặc dù tôi chưa hề nạo phá thai), lúc thì lại mơ toàn cảnh tra tấn máu me cảm giác như tôi rơi vào địa ngục.

Ảnh minh họa. 

Có lẽ tôi bị nghiệp chướng nặng nề. Bởi dù đã quy y Tam bảo, đọc rất nhiều sách của các bậc thầy, bản thân tôi rất kính quý Tam bảo nhưng trớ trêu là trong đầu tôi lại chia làm hai phần đối kháng rất mạnh mẽ: một phần là kính quý, một phần là phỉ báng. Đôi lúc, tôi có những ý nghĩ rất xấu về Tam bảo, song bên cạnh đó lại có những ý nghĩ cố gắng nương tựa vào Tam bảo. Tôi rất muốn sám hối và đã từng thỉnh Lương hoàng sám về lễ bái nhưng không hiểu sao cứ chuẩn bị sám hối thì tâm kiêu mạn lại khởi lên và không muốn sám hối nữa. Rất mong quý Báo giải thích và hướng dẫn giúp tôi cách nào để sám hối thành công.

(TƯỜNG VÂN, tuongvan0307@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Tường Vân thân mến!

Những biểu hiện ác mộng của bạn liên tục xuất hiện gần đây có thể là biểu hiện của chứng “rối loạn giấc ngủ” liên quan đến một số bệnh lý trong thân thể, môi trường của giấc ngủ như ánh sáng, thời tiết, tiếng ồn, chế độ dinh dưỡng, hay liên quan đến các rối loạn cảm xúc như trầm cảm, lo âu… Nên việc đầu tiên, bạn cần đi khám bệnh để được các bác sĩ hướng dẫn trị liệu.

Mặt khác, ngoài các nguyên nhân bệnh lý, những cơn ác mộng xuất hiện thường xuyên tàn phá thân tâm còn là biểu hiện của ác nghiệp trong quá khứ. Những mâu thuẫn, ẩn ức, giằng xé trong nội tâm cũng là nguyên nhân hình thành nên ác mộng.

Bạn vừa có tâm kính quý muốn nương tựa Tam bảo lại vừa phỉ báng, khinh mạn chứng tỏ ác nghiệp trong tâm thức đang “quẫy đạp” trước nỗ lực hướng thiện của bạn. Bạn muốn sám hối nghiệp chướng nhưng mỗi lần chuẩn bị lễ sám thì tâm kiêu mạn khởi lên làm trở ngại là biểu hiện rõ nét nhất.

Để khắc phục điều này, bạn hãy bình tâm quán niệm sâu sắc hơn về ý nghĩa sám hối nhằm giữ vững lập trường của mình mà vượt qua chướng ngại. “Sám hối là một thiện pháp. Sống ở đời không ai mà không có tội nên cần phải sám hối. Sám hối thì tội diệt, phước sanh; nhờ đó mọi việc đều trở nên hanh thông, thuận lợi. Biết sám hối, phục thiện mới là người mạnh nhất, là đệ tử Phật chân chính…”.

Bạn đã đúng khi chọn pháp sám hối để hành trì trong đời sống hàng ngày. Công đức sám hối vô lượng vô biên, sự chuyển hóa nghiệp chướng và bệnh tật nhờ sám hối cũng rất nhiệm mầu. Nên bạn hãy tin sâu vào Tam bảo, sống đúng theo Chánh pháp để được an lành.

Chúc bạn tinh tấn!

Theo Giác Ngộ

Bình luận(0)