Trong 2 ngày 18-19/8/2023, Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN đã phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình tổ chức "Lễ hội thắp sáng Tri ân nhân mùa Vu Lan báo hiếu 2023".
Bên cạnh các hoạt động cầu Quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà; thuyết giảng ý nghĩa “tri ân Trời Đất”; dâng hương kính lễ; tưởng niệm, cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ… Ban văn hoá TW, Phân ban pháp phục Phật giáo tổ chức chương trình Tập huấn pháp phục cho các nhà may của các tỉnh thành.
|
Lễ ký kết thực hiện Đề án Ngôn ngữ, Pháp phục, Kiến trúc, Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam. |
Theo Hòa Thượng Thích Thọ Lạc (Trưởng BTC Lễ hội thắp sáng Tri ân nhân mùa Vu Lan báo hiếu 2023), pháp phục Phật giáo Việt Nam là trang phục của người tu sĩ Phật giáo Việt Nam, thể hiện pháp tướng bên ngoài của người tu sĩ Phật giáo và mang tính đặc trưng của từng hệ phái về cả màu sắc lẫn hình thức, tạo nên sự đa dạng và phong phú cho pháp phục Phật giáo Việt Nam.
Pháp phục gồm hai loại: pháp phục nghi lễ (lễ phục) và pháp phục thường nhật thuộc ba dòng pháp phục chính ứng với ba hệ phái chính là Bắc truyền, Nam truyền và Khất sĩ của Phật giáo Việt Nam với một điểm chung là “Ba y - một bát”.
Pháp phục Phật giáo Bắc truyền hiện nay gồm: y phục thường nhật và y phục nghi lễ. Y phục thường nhật chia làm hai loại: thường phục trong chùa và thường phục tiếp khách.
|
Pháp phục Phật giáo Bắc. |
Theo truyền thống, y phục mặc trong chùa là áo vạt hò màu vàng, màu nâu, màu lam và quần dài. Áo thường nhật và áo nghi lễ hình thức khác nhau, lớn nhất ở ống tay áo. Lễ phục là những loại áo mặc khi thực hiện các nghi lễ Phật giáo và được các Tăng Ni Phật giáo Bắc truyền gìn giữ đến ngày nay. Đặc biệt, trong lễ phục của Phật giáo Bắc truyền còn có áo hậu, đối với chư Tăng mặc áo màu vàng, chư Ni áo màu lam.
Bên ngoài của lễ phục là áo cà-sa hay y màu nâu hoặc màu vàng, mão hay mũ tùy theo cấp bậc. Đặc biệt là mũ Thất Phật đội khi thực hiện nghi lễ trang trọng theo truyền thống miền Bắc và Hiệp Chưởng được Hoàng triều Nguyễn chế nên để ban cho các vị Tăng Cương đội khi vào triều mà sau này được dùng phổ cập, các vị Chủ Sám thường đội trong các pháp hội trai đàn theo nghi thức truyền thống miền Trung.
Pháp phục Hệ phái Khất sĩ và pháp phục của Phật giáo Nam truyền gần giống nhau nhưng lại khác về màu sắc, kiểu y Trung, y Thượng và khác nhiều với Phật giáo Bắc truyền về hình thức cũng như màu sắc.
|
Lễ dâng y cúng dàng trong Lễ hội thắp sáng Tri ân nhân mùa Vu Lan báo hiếu 2023. |
Pháp phục của Tỳ-kheo Hệ phái Khất sĩ, gồm có 3 y: Y thượng bá nạp, y trung và y hạ cùng một màu vàng sậm và thống nhất toàn hệ phái. Người sơ cơ xuất gia chỉ được mặc bộ đồ màu vàng (kiểu áo vạt hò, quần dài). Riêng Sa di (đã thọ thập giới) được mặc ba y, nhưng y thượng (y trùm ngoài) phải may trơn, không có điều.
Pháp phục của Phật giáo Nam truyền gồm có y nội – An-đà-hội và y vai trái – Uất-đa-la-tăng và với các màu da bò, màu vàng đậm và màu măng cụt. Chư Tăng Nam tông Kinh và Nam tông Khmer đa số mặc y năm điều và chỉ dùng vải vàng hoặc nâu quấn, vắt trên người với các kiểu khác nhau.
Ni giới Nam truyền Việt Nam sử dụng 3 màu: màu trắng (ảnh hưởng Thái - Khmer), màu hồng và màu nâu (ảnh hưởng Miến Điện). Tuy ba màu nhưng màu trắng lại chiếm đa số - pháp phục màu trắng và thêm khăn giới màu vàng. Hình thức ba y, một bát vẫn còn gìn giữ nguyên vẹn.
Với tinh thần nhập thế, Pháp phục của Phật giáo Việt Nam cũng từ Luật của Phật và giáo huấn chư Tổ tạo ra nhưng mang những nét đặc thù của Phật giáo Việt Nam mà nhất là dưới sự quy chế hóa của Hoàng triều Nguyễn (1802 - 1945). Pháp phục của Phật giáo Việt Nam là một di sản sống của văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng và Văn hóa Việt Nam nói chung mang đầy đủ tính triết lý, tâm linh, lịch sử và thẩm mỹ.
|
Tập huấn may pháp phục Phật giáo Việt Nam. |
Theo Đại Đức Thích Tuệ Minh, Ban văn hoá TW, Phân ban pháp phục Phật giáo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tập huấn pháp phục nhằm gìn giữ, kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam, thiết lập nên bản sắc riêng về pháp phục cho các giới phẩm thuộc các hệ phái Phật giáo Việt Nam. Pháp phục kiến tạo ra sự tôn nghiêm khi sinh hoạt giáo đoàn Phật giáo trong nước và quốc tế, phù hợp với khí hậu và sinh hoạt của Tăng Ni, Phật tử hiện nay tại Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý Tăng sự của các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam.