Có câu: Cuộc sống vốn không công bằng nhưng luật nhân quả rất công bằng. Tại sao cuộc sống vốn không công bằng mặc dù cuộc sống được quy định bằng những tiêu chuẩn, giá trị văn hóa đạo đức và các văn bản pháp luật Nhà nước?
Nếu nhìn về phương diện cá nhân sẽ thấy có rất nhiều vấn đề trong cuộc đời mà một con người phải trải qua, nhưng nếu có những sự kiện hay vấn đề gì đi nữa thì thời điểm xảy ra vẫn không bao giờ báo trước chính xác. Các nhà biên kịch, đạo diễn phim ảnh đều có thể dựng lên những câu chuyện đời thường với thời gian và không gian hoàn hảo nhưng đối diện trước cuộc đời của họ thì họ vẫn mù mờ.
|
Đức Phật dạy con người phải đi tìm trí tuệ và hãy có
lòng từ bi để tiếp tục vận động cho một cuộc sống tích cực. |
Nếu nhìn về phương diện xã hội và thế giới, cả cộng đồng nhân loại cũng thật bé nhỏ, không thể kiểm soát được tất cả những gì sẽ xảy ra (khủng hoảng chính trị, dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh…). Như bàn tay của con người biết lúc nào phải mở ra và lúc nào phải nắm lại nhưng khi đã nắm lại thì trong bàn tay vẫn còn chút kẽ hở vậy. Một cuộc sống vốn không công bằng với con người nhưng có một quy luật dành cho cuộc đời con người ấy không sai không khác, đó là: Nhân quả.
Nhân quả trong lối sống của con người bao gồm những điều tốt đẹp và những điều hết sức bi thảm. Nhân quả về tương lai của một người giống như một bài toán khó cần tìm ra công thức để giải đáp. Việc tìm công thức giải đáp bài toán là một quá trình đòi hỏi nhiều công sức và trí tuệ. Nếu người tìm ra công thức giải được bài toán khó này trong một thời gian nhanh nhất được xem là người có thể bắt kịp được tương lai. Nếu người nào rất khó giải được bài toán thì xem như người đó chưa bắt kịp công thức của cuộc đời mình, họ cần tìm kiếm “nhà toán học” hoặc “nhà thông thái” nào đó để xin nhận được sự giúp đỡ.
Nhân quả dù tốt hay xấu đều tùy thuộc vào con người. Mỗi cá nhân tự gây tạo nghiệp nhân cho mình và chỉ chờ đợi diễn tiến của cái kết. Cuộc sống của con người thường mắc phải năm loại ham muốn căn bản: ăn ngon, ngủ nghỉ, danh tiếng, sắc đẹp, tiền tài và con người phải sống trong bể tham dục, ưu, bi, khổ, não, bệnh tật. Trong mỗi thời khắc đã qua, hiện tại đến tương lai là một chuỗi tương tác liên tục. Những việc làm của chúng ta hôm nay có thể cho biết câu trả lời của ngày mai cho dù không chắc chắn như chúng ta nghĩ. Nếu chúng ta muốn tận hưởng chuỗi nhân quả cuộc đời theo hướng tốt, tích cực thì không còn gì bằng việc tạo ra một lối sống tốt và lối sống tốt ấy rất cần có nguồn động lực, sự quyết tâm mạnh mẽ của chính bản thân.
Cuộc sống phải theo quy luật vô thường, không bao giờ đứng yên. Thời gian của một đời người cũng rất ngắn ngủi. Đừng chờ đợi một điều tốt đẹp đến với mình mà phải tự tạo điều tốt đẹp trước đã bằng tất cả sự thành thật. Khi chúng ta đã có cố gắng rồi thì ít ra cũng sẽ có một nguồn lực tiếp sức cho chúng ta thêm nữa. Vận may, cơ hội không phải mưa từ trên trời rơi xuống cho chúng ta tắm mát giữa trưa hè nóng bức vì chúng ta cũng biết rằng những giọt mưa không phải tự dưng mà có, nó phải hội đủ nhân duyên, được giúp sức từ hơi nước và các điều kiện khác.
Thời hiện đại này, lối sống cá nhân có quá nhiều sự lựa chọn, điểm nhấn quan trọng là ở giai đoạn tuổi trẻ cần có định hướng tốt để về sau thu được kết quả tốt đẹp. Lối sống cá nhân luôn chịu ảnh hưởng từ gia đình, nhà trường, bạn bè và xã hội. Giới trẻ ngày nay còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ công nghệ kỹ thuật số và công nghệ giải trí (phim ảnh, âm nhạc, truyền hình). Thế giới luôn chạy đua phô diễn sức mạnh của khoa học kỹ thuật, quân sự quốc phòng, tiền tệ… nhưng nếu con người sống thiếu lòng khoan dung và vị tha sẽ khiến cho thế giới rơi vào bất hạnh, bất công, xung đột, tội ác và hận thù.
Một cá nhân chọn lối sống ngông cuồng, phóng túng sẽ không mang lại một tương lai xán lạn nào cho họ cả. Một lối sống vô cảm, bất cần đối với những người xung quanh sẽ chỉ nhận cái kết không hay ho gì, thậm chí khi ta cần sự giúp đỡ nào đó, ta cũng sẽ khó nhận được sự trợ giúp nào một cách vui vẻ cả. Một lối sống dựa dẫm, xu nịnh sẽ nhận lại cái kết bị nhàm chán và bỏ rơi. Một con đường tù tội luôn dành cho những người chỉ thích cách kiếm nhiều tiền thật nhanh bất chấp mọi thủ đoạn và tàn ác, họ sẽ nhận hình phạt thích đáng và nặng nề hơn nữa là bản án lương tâm cắn rứt… Các khía cạnh tiêu cực nhất của lối sống cá nhân là đi theo nghề nghiệp bất thiện: sát sanh, trộm cắp, buông thả trong dục lạc, rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập, buôn người, làm ăn gian dối, buôn bán vũ khí hủy diệt mạng sống.
Phật giáo khẳng định cái khổ là kết quả của những việc con người làm chứ không phải do thần linh hay một cái gì khác gây ra. Tất cả những việc làm của một người quyết định sự danh giá hay thấp hèn của người đó. Vì vậy, con người cần sự nỗ lực vượt mọi cam go để nâng cao trí tuệ và đạo đức của mình. Đức Phật đã vì lợi ích và sự an lạc cho chúng sinh mà chỉ ra những chỗ yếu kém của thân, khẩu, ý và phương pháp từ bỏ những thói hư tật xấu, tập các tính nết tốt. Những người đã có đức tính tốt rồi thì vẫn phải nâng cao các phẩm chất tốt, không phải đã tốt rồi tự mãn, kiêu căng.
Nói chung, có hai lối sống chính: lối sống từ bỏ dục lạc thế tục và lối sống đầy đủ các dục của người thế tục, hay nói cách khác lối sống của người xuất gia và lối sống của người đời muôn màu muôn vẻ.
Đối với giới xuất gia, Đức Phật chế giới để điều phục những bất ổn, bất thiện trong quá trình tu hành vì mục đích phạm hạnh và giải thoát sanh tử. “Này các Tỳ-kheo, thế nào là học giới theo phước lợi? Là Đại sư vì các Thanh văn chế giới để nhiếp thủ Tăng, tích cực nhiếp thủ Tăng, khiến người không tin, được tin; người đã tin, tăng trưởng lòng tin; điều phục người ác; người tàm quý được sống an vui; phòng hộ hữu lậu hiện tại; chính thức đối trị được đời vị lai; khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài. Như Đại sư đã vì Thanh văn chế giới để nhiếp thủ Tăng… cho đến khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài. Học giới như vậy như vậy, hành trì giới kiên cố, giới hằng tại, giới thường hành, giữ gìn học giới. Đó gọi là Tỳ-kheo nhờ giới mà được phước lợi” (Kinh Tạp A-hàm, số 826). Cho nên, nhờ giới mà người xuất gia có cái đẹp của lòng từ bi, cuộc sống giản dị và bình đẳng.
Đối với người thế tục, Đức Phật thuyết dạy những khía cạnh tích cực của sự tu dưỡng thân tâm, hạn chế sự kiệt quệ tinh thần và tính ích kỷ. Người thế tục cần làm các công đức để gieo hạt giống tốt cho đời sau. Con người giống như một hạt giống, hạt giống này rồi đến lúc không còn là hạt nhưng có thể tái sinh thành một cây khác từ chính hạt giống này. Giáo lý Ngũ giới, Bát Chánh đạo, Thập thiện nghiệp rất giúp ích cho lối sống hướng thiện của con người.
Đức Phật dạy con người phải đi tìm trí tuệ và hãy có lòng từ bi để tiếp tục vận động cho một cuộc sống tích cực. Nhân quả luôn hiện hữu trong lối sống của con người thông qua hành vi và các mối quan hệ của cá nhân. Vì vậy chọn một lối sống tốt, chánh đáng là một vấn đề hết sức cần thiết đối với tất cả mọi người dù cho có phải trải qua những thời khắc khó khăn gì đi nữa hay phải bắt đầu làm lại cuộc đời.