HỎI: Chùa tôi ở vùng nông thôn, có nhận một chú tiểu và đã cho xuống tóc tập sự xuất gia. Trải qua thời gian tập sự, tôi thấy chú ấy có tâm tu, học hành lanh lợi, các giác quan bình thường nhưng chiều cao hơi khiêm tốn, chỉ có 1m30. Nay chú ấy đã đến tuổi thọ giới, tôi đang băn khoăn không biết chú ấy có được thọ giới làm Tăng không? Có nhiều vị góp ý với tôi rằng không nên cho chú ấy thọ giới (dù là thọ phương trượng). Xin hỏi quý Báo, chú ấy có thọ giới được không? Nếu không thì làm cách nào để trợ duyên cho chú ấy tu hành?
(HẠNH THƯỜNG, hanhthuong64@yahoo.com)
ĐÁP: Thầy Hạnh Thường thân mến!
Theo Luật tạng quy định, người xuất gia bị chướng ngại bởi mười ba già nạn và sáu căn không đầy đủ thì không được thọ giới làm Tăng. Già nạn có nghĩa là chướng pháp, chướng ngại Thánh quả. Người xuất gia vương vào một trong những già nạn thì không hội đủ điều kiện thành tựu Phạm hạnh, chứng đắc Thánh quả trong đời này nên không được thọ giới. Sáu căn không đầy đủ là người có khiếm khuyết một số giác quan như mù, què, câm, điếc, ngọng, tâm thần v.v… Nói chung, người có khuyết tật thì không đủ khả năng sống đời Phạm hạnh, không thể tiến bộ trong Thánh pháp nên không được thọ giới làm Tăng.
|
Ảnh minh họa.
|
Một chú tiểu đã trải qua thời gian tập sự, “có tâm tu, học hành lanh lợi, các giác quan bình thường”, hẳn nhiên không vương vào “mười ba già nạn” cùng “sáu căn không đầy đủ” thì được phép thọ giới. Riêng vấn đề “chiều cao hơi khiêm tốn, chỉ có 1m30” của chú ấy là một khiếm khuyết về ngoại hình. Vấn đề này, theo Luật tạng, có một số quan điểm khác nhau giữa các bộ phái Phật giáo. Hầu hết các bộ phái đều thống nhất rằng ngoại hình không quá xấu xí và dị dạng thì vẫn có thể thọ giới. Riêng phái Nhất thiết hữu bộ thì khắt khe hơn, quy định loại trừ những người mắt chột, mắt lé, quá cao, quá thấp, quá trắng, quá đen, không cho thọ giới.
Như vậy, với chiều cao 1m30 là khá khiêm tốn, ngoại hình có khiếm khuyết nhỏ nhưng không thuộc diện “quá xấu xí và dị dạng” trong tương quan chiều cao trung bình của người Việt hiện nay nên chú ấy vẫn hội đủ điều kiện thọ giới, tu học như những người khác. Có điều, vị bổn sư cần giáo hóa đệ tử ý thức rõ về nghiệp nhân của những người có chiều cao khiêm tốn là do cống cao, ngã mạn trong quá khứ để sám hối và ngăn ngừa. Mặt khác, trong quan niệm dân gian người ta hay dị nghị, ít thiện cảm với bốn hạng người “nhất lé, nhị lùn, tam hô, tứ sún” nên những người này thường gặp một số bất lợi, vì thế việc thọ giới chủ yếu là để tu tập, chuyển hóa tự thân. Vị ấy cần tự ý thức về ngoại hình có chút khiếm khuyết của mình để thủ phận, ứng xử phù hợp, tránh sự gièm pha và đàm tiếu của thế gian.
Chúc thầy tinh tấn!