Nghe chuông, nên như thế nào?

Google News

Không hề có chuyện nghe chuông rồi thực tập chánh niệm mà bị tà ma quấy phá.

HỎI: Tôi không có điều kiện đi chùa nhiều, phòng trọ lại nhỏ hẹp nên cũng không thờ Phật. Tôi chỉ có một cái chuông nhỏ để trên bàn viết, hàng ngày thỉnh ba tiếng chuông để tịnh tâm hay mỗi khi lòng bấn loạn nghe chuông cho an lòng có được không? Bởi có người nói thỉnh và nghe chuông như vậy không tốt, chuông phải để trên bàn thờ, nếu nhà không có bàn thờ thì phải thường đi chùa, có sự gia hộ của Phật, Bồ-tát thì thỉnh chuông mới không bị tà ma quấy phá. Còn một vấn đề khác, tôi có quen một cô cũng thường đi chùa, lễ Phật, ăn chay. Cô ấy thờ Quán Thế Âm Bồ-tát nhưng mỗi ngày đọc tụng chú, bắt ấn cầu ơn trên ban “điển”. Cô ấy nói tuy thờ Phật nhưng có căn duyên tu Tiên để giúp cửu huyền thất tổ được vãng sanh Tịnh độ. Tôi có nên học hỏi kinh nghiệm tu tập nơi vị này không?
(HỒNG TÂM, hongtampsy@gmail.com)
ĐÁP:
Bạn Hồng Tâm thân mến!
Chuông là một pháp khí quan trọng của nhà Phật. Nghe chuông khiến bạn tỉnh thức và lắng lòng là điều rất nhiệm mầu. Nên dù bạn chưa có bàn thờ Phật, chiếc chuông nhỏ chỉ để trên bàn viết, bạn vẫn có thể thực tập nghe chuông hàng ngày. Nghe chuông cũng là một pháp tu. Tiếng chuông giúp bạn xả buông, thư giãn và chánh niệm hơn trong đời sống hàng ngày thì hãy nương theo tiếng chuông mà tu tập.
Ảnh minh họa. 
Không hề có chuyện nghe chuông rồi thực tập chánh niệm mà bị tà ma quấy phá. Nên bạn hãy yên tâm thực tập pháp tu nghe chuông của mình. Nghe chuông mà phiền não nhẹ là tu đúng pháp.
Riêng đối với người tu Tiên thì người Phật tử không nên học hỏi vì đó là những pháp tu ngoài Phật giáo. Bạn đã có duyên với pháp tu Thiền chánh niệm thì hãy kết duyên với một đạo tràng chánh niệm nào đó để tu tập. Sống có chánh niệm, luôn tỉnh thức nhằm thiết lập an lạc, thảnh thơi là một trong những pháp tu quan trọng của hàng Phật tử.
Chúc bạn tinh tấn!
Theo Giác Ngộ

Bình luận(0)