Năm 1998, chùa bị mất 11 pho tượng (3 pho tượng Tam Thánh, 2 pho tượng Hộ Pháp, tượng Ngọc Hoàng thượng đế và một số pho tượng khác) và 1 quả chuông cổ. Đến năm 2001, nhà chùa mới có chút kinh phí để làm lại những tôn tượng đức Phật, và những pho tượng bị mất.
Gian chính điện Tam Bảo trải qua hao mòn lịch sử, hư hại nặng nhất, mái thường xuyên dột nát, đến tận năm 2011 mới bắt đầu được cất giỡ, xây lại. Theo thông tin được chép lại từ bia sử ký, thì gian Tam Bảo đã được xây dựng từ rất lâu, trải qua đời vua Đinh, Lê, Lý, Trần, đến đời vua Thành Thái năm thứ 13 mới được tu sửa lại, rồi các đời Sư tổ, kế tiếp là Thầy trụ trì Thích Đàm Huy gìn giữ, thi thoảng trùng tu chắp vá, chăm nom cho đến bây giờ.
|
Gian Tam Bảo chùa Thư Điền, năm 2011 bắt đầu giỡ bỏ, chuẩn bị xây mới |
|
Gian nhà Mẫu, dù giữ nét nguyên sơ cổ kính, nhưng đã hư hại, xuống cấp nhiều |
Chúng tôi về thăm
chùa một ngày hè oi ả. Vượt xa hơn 150 km, từ Hà Nội về với chùa Thư Điền, Nghĩa Thành, Nghĩa Hưng, Nam Định. Dọc đường về với chùa, khi đã và địa phận chính miền quê có phần gần biển, phần lớn xung quanh là giáo xứ đạo Thiên Chúa, dường như duy nhất chùa Thư Điền. Có chăng, bởi thế mà khi có sự cố mấy ai biết, chẳng ai hay, bị trộm mất tượng Phật và chuông cổ cũng đành lặng im?
|
Vườn Tháp cổ ngay lối vào cổng chùa bên phải |
|
Nhà tiếp linh, và phần mái gian thờ Mẫu nhìn từ trên xuống |
Và cũng phần nào dễ hiểu, vì sao một ngôi chùa có bề dày lịch sử như vậy, lại heo hút đến thế, dù chùa có khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, cây hoa tốt tươi, ruộng lúa mênh mông bao bọc, nhưng quanh năm chỉ có vài Ni sư và số ít bà con trong làng chăm nom.
Sư trụ trì vắng nhà, bận việc một ngôi chùa khác, sư Thầy Thích Đàm Viết ở nhà chăm lo quán xuyến mọi việc. Gần đại lễ Phật đản, chúng tôi về thăm chùa, kết hợp cúng dường nhà chùa quả chuông mới mừng Phật đản, với thiện tâm thành kính dâng cúng nhà chùa, cúng dường Tam Bảo của phật tử Diệu Giang, một người con Phật xa quê.
|
Lầu Quán Âm ngay trước cổng vào chùa bên tay trái |
Sư Thầy hoan hỷ tiếp đón chúng tôi, tự tay Thầy nấu cơm chay mời các phật tử thưởng thức. Nhà chùa có chuông mới, vào ngày gần Phật đản, được sự đồng ý của sư Thầy, chúng tôi được sư bác dẫn chúng, tụng một khóa Kinh A Di Đà.
Nhà chùa chưa có, và cũng chưa kịp chuẩn bị kệ đặt sách Kinh, nên sách Kinh đặt tạm lên đĩa sứ thường dùng dâng cúng hoa quả, đặt lễ. Nhưng không bởi thế, mà sự trang nghiêm, thanh tịnh giảm đi. Khóa lễ đơn sơ, nhưng chúng tôi ai cũng cảm niệm niềm hoan hỷ khôn cùng.
|
Tháp chuông cổ |
Tụng Kinh, thọ trai xong, ai mệt thì có chỗ để nghỉ, nhà chùa mới xây gian nhà Tăng, để thuận lợi đón tiếp khi có khách hay phật tử về thăm. Cũng có người trong đoàn tranh thủ chợp mắt. Còn thì phần lớn quây quần, trò chuyện cùng Thầy Thích Đàm Viết, nơi sân chùa bên thềm nhà khách mát rượi gió đồng nội.
Dạo quanh chùa một vòng, nét cổ kính nguyên sơ vẫn còn đó, khuôn viên rộng và thoáng đãng, cây cối hoa lá xanh tốt. Đâu đó có nét thôn quê bình dị. Thăm gian Tam Bảo vừa xây lại, còn tươi mới vôi vữa, bên trong tường còn chưa được quét vôi, tôi thấy chạnh lòng, man mác khó tả…
Trong đầu mông lung nhiều câu hỏi, ngổn ngang: Ngôi chùa làng giữa vùng quê, mà xung quanh là các nóc nhà thờ cao vút, chắc các quý Thầy khó nhọc lắm khi chăm nom, bảo tồn gìn giữ? Trước đó, khi 11 pho tượng, 1 quả chuông cổ bị mất mà cứ để như thế…?
|
Một góc gian đặt tạm tôn tượng đức Phật, và những pho tượng sẽ bày khi gian Tam Bảo hoàn thiện. Tường cũ lâu năm đã hỏng cả… |
Chùa Thư Điền đâu có quá khó tìm, vậy mà đến tận năm 2011, gian chính điện Tam Bảo mới được tu sửa lại phần nào, lẽ nào một ngôi chùa di sản như vậy, cổ kính như vậy - nơi lưu giữ tâm hồn cốt cách Việt Nam lại bị hoang tàn?
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU