Và có lẽ, sẽ có nhiều câu trả lời, đại loại là do tham dục, do sân giận, do đói khát, do bệnh tật hay do sự sợ hãi v.v...
Những lời giải đáp tùy theo mỗi hoàn cảnh và sự nhận thức của mỗi người. Nhưng tất cả những lời giải đáp ấy chưa phải là nguyên nhân cốt lõi sau cùng của nỗi khổ đau lớn nhất mà kiếp người phải gánh lấy.
|
Tham chấp thân tạm hư huyễn này mà gây tạo nghiệp ác, là sẽ chìm đắm trong vòng sinh tử luân hồi. Ảnh minh họa. |
Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều đã từng than rằng: “Nghĩ thân phù thế mà đau/Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê”.
Câu hỏi này (và cả những câu trả lời) không có gì lạ, bởi vì từ hơn 2.500 năm trước đã được các Tỳ-kheo thắc mắc và tranh cãi rồi nhưng cũng chưa tìm ra câu trả lời chân xác. Vì bất đồng ý kiến, nên họ cứ tranh luận mãi không thôi. Biết được chuyện này, Đức Phật liền đi đến, các Tỳ-kheo đã đồng đứng lên đảnh lễ rồi trình bày điều mình đang tranh luận.
Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo! Các thầy bàn luận chưa đến chỗ cùng tột ý nghĩa của khổ đau. Khổ đau trong cuộc đời không gì hơn sự hiện hữu của thân này. Tất cả những nỗi khổ đau đói khát, nóng lạnh, sân giận, sợ hãi, sắc dục, tai họa… đều bắt nguồn từ thân này!”(Kinh Pháp cú thí dụ).
Có phải vì “thân này” mà con người đã luôn nuôi dã tâm tàn hại lẫn nhau, để giành mọi quyền lợi cho mình? Sự mù quáng vì quá tham đắm “thân này” đến nỗi nhà văn Nicolas Chamfort (1741-1784) đã phải kêu lên: “Người ích kỷ sẽ đốt nhà bạn để luộc một quả trứng”. Cung phụng những đòi hỏi, ham muốn cho “thân này” như vậy, là hết chỗ nói! Tuy vậy, những đòi hỏi của “thân này” chưa bao giờ chịu dừng lại, mà ngày càng nhiều thêm.
Nhìn lại thực tế trong đời sống, chúng ta càng thấy rõ, chỉ vì “thân này” mà nghĩa tình ruột thịt đã phải chia cắt, bằng hữu xóm giềng phải xa nhau, đạo lý luân thường bị đảo lộn. Hàng ngày, tin trên các báo đều có ghi: Con đánh cha - giết hại mẹ, vợ phản bội chồng, chồng bạo hành vợ con, anh chị em đâm chém nhau, học trò vô lễ với thầy cô, bè bạn thù oán nhau v.v… cũng không ngoài vì danh và lợi, muốn tóm thu về thụ hưởng cho riêng mình. Xã hội rối ren, bất an triền miên chỉ vì ai ai cũng lo chụp giựt, tranh giành, chỉ mong o bế cho thân mình.
Nếu con người sống ở cõi tạm này mà biết được rõ rằng, cái “thân này” chỉ là bóng mây, bọt nước, là pháp hư huyễn, có không vô thường để biết đủ; đem tâm từ của “thân này” hướng về kẻ khác, nuôi lớn cảm thông để sẻ chia - thì chắc chắn, nỗi khổ đau “thân này” cũng sẽ được xoa dịu, chuyển hóa, giảm đi rất nhiều - cho chính mình và cho mọi người. Suy cho cùng, cội nguồn của các khổ đau, manh mối của tai họa, lao tâm, khổ trí, sợ hãi - cũng chính bởi “thân này” mà ra cả!
Ai cũng quý trọng thân này, cũng muốn được sống hạnh phúc, tham sống sợ chết, thì tại sao lại giẫm đạp lên thân người, đời người khác, để tạo nghiệp khổ đau cho đời này, đời sau? Đức Phật đã dạy: “Người nào cầu yên vui cho thân mình mà lại lấy dao gậy não hại kẻ khác, thì sẽ không bao giờ được yên vui” (PC.131). Lời nói đơn giản này ai cũng có thể thuộc nhưng có rất ít người làm được.
Tham chấp thân tạm hư huyễn này mà gây tạo nghiệp ác, là sẽ chìm đắm trong vòng sinh tử luân hồi triền miên đau khổ! Biết “quên” thân này, mượn thân giả tạm để sống vì người, vì đời; rời xa vọng tưởng mê lầm, hướng tâm an tĩnh thì chắc chắn sẽ đạt được an vui.