Khám phá các báu vật nhà chùa Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Các chùa Việt Nam hiện còn lưu giữ rất nhiều báu vật quý, là tài sản có giá trị, góp phần khẳng định, tôn vinh văn hóa Việt.

Các báu vật này cũng giúp cho những người đời sau hiểu biết thêm về trình độ mỹ thuật, hội họa, kiến trúc của ông cha ta qua các thời kỳ lịch sử. Báu vật trong các ngôi chùa Việt có thể là các loại tượng hoặc là các đồ tế khí được thờ trang trọng trong chùa.

Các loại tượng Phật trong chùa Việt

Báu vật tượng Phật thì hầu như chùa nào cũng có và được chia thành 5 nhóm chính. Thứ nhất là tượng A Di Đà. Chùa Phật Tích (Bắc Ninh) được xem là chùa có tượng A Di Đà có giá trị lịch sử và nghệ thuật nhất, tồn tại từ thời Lý đến ngày nay. Tượng ngồi kiểu thuyết pháp, hai chân xếp bằng gọi là Kiết già, bàn tay để ngửa trong lòng. Đầu có khối u, tóc hình xoắn ốc, tai to, mặc áo rộng. Đường nét rất thanh thoát, mềm mại. Các nhà chuyên môn cho đây là pho tượng duy nhất còn lại gần như nguyên vẹn của nghệ thuật thời Lý.

Thứ hai là tượng Thích Ca, dựa theo cuộc đời của đức Phật để tạc thành 4 tư thế: tượng Cửu Long: hình rồng quấn quanh đứa trẻ, chỉ Đức Phật lúc mới sinh; tượng Tuyết Sơn: để hình dung Đức Phật tu khổ hạnh, phải nhịn ăn nên thân hình gầy guộc; tượng Thuyết Pháp: tạc theo điển Đức Thích ca đã thành Phật; và tượng Niết bàn: Thích ca nằm, chỉ lúc đã vào cõi siêu trần.

 Một vị La Hán chùa Tây Phương. Ảnh: Wikipedia

Có hai chùa Tây Phương (Hà Nội) và chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) có tượng Tuyết Sơn nghệ thuật và đặc sắc hơn cả. Tượng Niết bàn ở nước ta không nhiều, nhưng ở chùa Phổ Minh (Nam Định) lại có tượng Trần Nhân Tông niết bàn rất đẹp.

Thứ ba là tượng Quan Thế Âm với 6 kiểu: Tượng chuẩn đề Quan Âm có 3 mắt và 18 tay; tượng Thiên thủ thiên nhãn Quan Thế Âm: đức Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt; tượng Phật Bà Quan Âm ngồi trên tòa sen, tức là Nam Hải Quan Âm; tượng Quan Âm tọa sơn, ngồi trên mỏm đá; tượng Quan Âm vô úy: Phật Bà ngồi trên tòa sen, đặt trên đầu một giống yêu quái đóng vai lái đò để trừ ác cho dân; và tượng Phật Bà Thị Kính hay là Quan Âm Tống tử.

Rất nhiều nơi có tượng Thiên thủ thiên nhãn Quan Thế Âm, tuy nhiên chỉ có chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) có nhiều đầu và đủ nghìn tay, nghìn mắt. Tượng cao 3,7m, tạc năm 1656. Đây là một công trình mỹ thuật độc đáo của nước ta. Chùa Đào Xuyển (Đa Tốn, Gia Lâm) cũng có tượng này, nhưng chỉ được 42 tay lớn và 610 tay nhỏ.

 Tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt ở chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Wikipedia

Thứ tư là tượng các vị Phật tùy tùng, bảo vệ Thích ca như tượng Văn Thù, Phổ Hiền, tượng các vị Thiên Vương, Hộ Pháp, Kim Đồng Ngọc Nữ đều tăng vẻ uy nghi cho Phật đường.

Đặc biệt các vị La Hán ở chùa Phật Tích, chùa Tây Phương đều có giá trị nghệ thuật cao. Mỗi khuôn mặt biểu lộ một chân dung tâm lý, mỗi dáng vẻ cho thấy một nỗi niềm.

Những bức tượng Phật khác cũng đều rất có hồn như tượng Bồ Đề Đạt ma, tượng Thánh Tăng, tượng Đại Tạng, tượng Bà La Sát. Các tượng như vậy đều cho thấy được thế giới lớn lao, siêu kỳ của các Phật Tổ. Dân chúng thường đặc biệt chú ý đến tượng Di Lặc. Hình ảnh con người vô lo, nụ cười thỏa mãn, tư thế lạc quan, thanh thản của Đức Phật mãi mãi đem niềm vui đến các chúng sinh.

Thứ năm, cùng với tượng Phật, các chùa còn có những tượng người trong lịch sử Việt Nam, những môn đồ Phật, những người quy y hoặc những người có công với Phật giáo. Những vị vua chúa có công với nước nhà, tượng những nhà sư, và cả những bức tượng không rõ nguồn gốc cũng được một số chùa thờ tự.

Đồ tế khí

Tượng Phật là báu vật nhà chùa, nhưng hầu như chùa nào cũng có tượng Phật. Còn các đồ tế khí, không phải chùa nào cũng giống nhau.

Một vài ngôi chùa Việt Nam có những chuông lớn như: chuông chùa Cổ Lễ (Nam Định) bằng đồng nặng 9 tấn, đỉnh đồng chùa Phổ Minh (Hà Nam) nặng 7 tấn, chuông chùa Thiên Mụ (Huế) đúc vào năm 1710 rất nổi tiếng. Tiếp đó, chùa La Chữ có chuông của vợ chồng tướng Võ Văn Dũng dân tiến (1771), chùa Diệu Đế có chuông của vua Thiệu Trị (1846)…

 Chuông chùa Cổ Lễ (Nam Định) bằng đồng nặng 9 tấn. Ảnh: Internet

Cùng với tháp, chuông là những bia: bia Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Đội Sơn có niên hiệu 1121 và các bia cổ ở Thanh Hóa đều có giá trị đặc biệt.

Ngoài ra, những bức tranh vẽ ở các nhà chùa, những kiệu rước Phật, cờ Phật cũng như hoa văn trên các bức vẽ đều có giá trị nghiên cứu.

Còn một điều đặc biệt nữa, là khi các nhà sư viên tịch, các nhà vua theo Phật khi băng hà thường được hỏa táng và để lại xá lị cho đời sau. Chỉ một số chùa có duyên được giữ xá lị ấy. Vua Trần Nhân Tông mất có 21 viên xá lị, 7 viên để ở chùa Yên Tử (Quảng Ninh), 7 viên để ở chùa Phả Lại (Hải Dương), và 7 viên nữa thì đưa về quê hương Tức Mặc.

Nhiều xá lị của sư tổ cũng được để ở các ngôi chùa. Đặc biệt, chùa Đậu có hai pho xá lị toàn thân của hai nhà sư Võ Khắc Minh và Võ Khắc Trường hơn ba trăm năm mà thân thể vẫn còn nguyên, không mùi, không hỏng. Đây cũng xem là loại báu vật ở các ngôi chùa.

Nhà chùa quả là nơi chứa đựng tài sản văn hóa của đất nước. Dù bị ảnh hưởng sự công phá của thời gian, nhưng  phần lớn các ngôi chùa đều lưu giữ được một vài báu vật có giá trị lớn.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Anh Tuấn

Bình luận(0)