“Trăm nết người ta hiếu đứng đầu
Đạo làm trai gái, đạo làm dâu…”.
Đức Phật dạy: “Hiếu thảo đứng đầu muôn hạnh”; “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Dù là con trai, con gái hay con dâu thì hiếu thảo vẫn là cái nết tốt đứng đầu, hiếu thảo là đạo trọng. Từ xưa tới nay, hiếu thảo được xem là đạo lý làm người, là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.
|
Đức Phật về thăm thân phụ là vua Tịnh Phạn lúc nhà vua lâm bệnh Tranh PGNN. |
Khi vừa biết nói bập bẹ thì tiếng đầu tiên đứa trẻ gọi là “ba”, “má”. Đến khi biết đọc biết viết, bài học đạo đức vỡ lòng được học là:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Công ơn cha mẹ ví như trời cao biển rộng không thể nói cho cùng tận.
Từ lúc mang con trong lòng, sinh con ra cho đến lúc con trưởng thành, cha mẹ phải vất vả nhọc nhằn, tốn hao biết bao mồ hôi nước mắt, công sức, dành hết tâm tư tình cảm cho con, chỉ mong con nên vóc nên hình, khôn lớn thành người.
Để con có mặt trên cuộc đời này, mẹ phải mang thai con chín tháng mười ngày, cha phải túc trực cận kề chăm lo săn sóc. Chẳng những phải lo bảo dưỡng thai nhi, cha mẹ còn chuẩn bị tâm lý, tinh thần vì muốn con sinh ra được vuông tròn. Cha mẹ phải nuôi dưỡng những tình cảm tốt có lợi cho con, vì tâm lý của mẹ cha sẽ ảnh hưởng đến phẩm chất tính cách của con sau này. Mẹ phải kiêng cữ, tiết độ trong ăn uống. Vì thương con, mong muốn con mình được hoàn hảo, mẹ phải kiêng kỵ đủ điều. Hàng đêm mẹ nguyện cầu cho con, chiêm ngưỡng hảo tướng Bồ-tát Quán Thế Âm, mong cho con sinh ra thân tướng đẹp đẽ, trang nghiêm, có đầy đủ tài năng và phẩm hạnh như Bồ-tát.
Khi sinh con ra, ngay cả cái tên cha mẹ cũng chọn lựa cho tốt để đặt cho con. Cái tên phải hay, phải đẹp, có ý nghĩa, cha mẹ đem niềm kỳ vọng, mơ ước của mình gởi gắm vào đó. Cha mẹ nào cũng vậy, luôn mong ước con mình khi trưởng thành sẽ là người đầy đủ tài năng, đức hạnh, trở thành người hữu dụng cho xã hội.
Nuôi con dù phải chịu bao đắng cay khổ nhọc, cha mẹ cũng chẳng nề hà. Đứa con chính là một công trình hết sức công phu và tuyệt mỹ mà cha mẹ đã tạo nên, vượt lên trên tất cả những công trình có ý nghĩa và giá trị khác. Chỉ khi nào làm cha mẹ thì người con mới hiểu được công lao và thâm tình cha mẹ. Bởi thế ca dao có câu:
“Công cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”.
Và
“Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền”.
Ngay cả khi con đã khôn lớn nên người, tình thương của cha mẹ dành cho con vẫn không hề thay đổi, như một nhà thơ đã nói: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Con dù tóc đã pha sương, cha mẹ già vẫn quan tâm lo lắng, trông chờ mỗi lúc con đi đâu, thăm hỏi khi con xa vắng. Những người mẹ Việt Nam hy sinh tận tụy, suốt đời vì chồng vì con, lấy niềm vui, hạnh phúc của chồng con làm hạnh phúc của mình, những đức tính quý báu ấy đã làm nên vẻ đẹp người phụ nữ Á Đông mà không đâu sánh được.
Có những người cha người mẹ phải làm những việc mà xã hội cho là thấp hèn để nuôi con khôn lớn. Nhiều đứa con ăn học thành tài, trở thành doanh nhân, kỹ sư, bác sĩ, những nhà lãnh đạo… nhờ sự gian khổ, tận tụy hy sinh của cha mẹ vốn là những người lao động nghèo làm công việc quét rác, lau chùi dọn dẹp, mua ve chai, bán hàng rong… Những đứa con ấy như hoa sen mọc lên từ bùn, nhờ bùn lầy nước đọng mà đóa hoa ấy trở nên thơm tho đẹp đẽ, góp phần làm đẹp cuộc đời. Nếu không có bùn thì không có những đóa sen như thế.
Chúng ta hãy nghe Đức Phật nói về công ơn cha mẹ trong kinh Tăng chi I: “Này các Tỳ-kheo, có hai hạng người ta nói khó có thể đền ơn, đó là cha và mẹ. Này các Tỳ-kheo, nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, cứ cõng như thế suốt một trăm năm, cho dù cha mẹ có đại tiểu tiện trên ấy cũng chưa đủ trả ơn cho cha mẹ”. Chính vì công ơn cha mẹ sâu nặng như thế mà người con không thể lãng quên. Nhưng làm thế nào để đáp đền được công ơn ấy?
Đức Phật dạy: “Những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường bằng của cải vật chất, tiền bạc thì không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng những ai đối với cha mẹ không có lòng tin thì khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ an trú vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác nghiệp thì khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ an trú vào thiện nghiệp; đối với cha mẹ xan tham thì khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo tà kiến, ác kiến thì khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ an trú vào chánh kiến, trí tuệ.
Như thế là làm đủ và trả ơn đủ cho cha mẹ” (Sđd). Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ rộng lớn như trời biển, làm sao con cái có thể đáp đền bằng những giá trị tầm thường như tiền bạc, của cải vật chất. Của cải vật chất không thể so sánh được với những tình cảm thiêng liêng quý báu mà cha mẹ dành cho con. Vì vậy, để đáp đền công ơn cha mẹ, ngoài việc kính yêu, hiếu thuận và phụng dưỡng, con cái phải hết lòng quan tâm cha mẹ về mặt tinh thần, chăm lo đời sống tâm linh của cha mẹ, chỉ như thế mới có thể báo hiếu một cách trọn vẹn. Ngoài việc lo cho cha mẹ từng miếng ăn giấc ngủ và làm cho cha mẹ sống vui vẻ hạnh phúc, người con cần phải biết hướng cha mẹ đi trên con đường lành. Đó là lo cho cha mẹ trong đời sống hiện tại và tương lai, lo cho cha mẹ lúc sinh tiền và cả sau khi khuất bóng. Người con khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ sống đời sống chơn chánh để hiện tại được an lạc, đồng thời làm nhân an vui hạnh phúc trong đời sống vị lai. Nếu cha mẹ không có chánh tín thì người con giúp cha mẹ có chánh tín, nếu cha mẹ không có chánh kiến thì người con giúp cha mẹ có chánh kiến, nếu cha mẹ sống tà mạng, tà nghiệp thì người con hướng cha mẹ về với chánh mạng, chánh nghiệp v.v… Cha mẹ không tin Tam bảo thì người con có bổn phận hướng dẫn cha mẹ kính tin, giúp cha mẹ quay về nương tựa Tam bảo. Người con chẳng những giúp cha mẹ tạo nhân duyên lành để có được đời sống an lạc trong hiện tại và vị lai mà còn có thể khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ tu tập hướng đến con đường giác ngộ, giải thoát, đó chính là tột cùng của sự báo hiếu.
Hiếu thảo với cha mẹ là việc làm tất yếu, việc làm đó trên cả bổn phận và trách nhiệm, vì đó là đạo đức, là nhân cách của con người. Đức Phật đã từng dạy: “Này các Tỳ-kheo, cha mẹ đồng nghĩa với Phạm Thiên, cha mẹ đồng nghĩa với các bậc Đạo sư, cha mẹ xứng đáng được cúng dường. Vì cớ sao? Vì cha mẹ sinh ra con cái, nuôi con cái lớn khôn, dưỡng dục con cái, dẫn dắt con cái vào đời” (Sđd).
Hiếu dưỡng có tầm quan trọng như vậy nên Đức Phật dạy phước báo của lòng hiếu thật không thể suy lường: “Này các Tỳ-kheo, những gia đình nào có con cái hiếu thảo với cha mẹ, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên. Những gia đình nào, ở đó các con cái hiếu thảo với cha mẹ, những gia đình ấy được chấp nhận như các bậc đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, ở đó các con cái hiếu thảo với cha mẹ, những gia đình ấy xứng đáng được cúng dường” (Sđd). Và trong Tiểu bộ kinh (kinh Nipata), Đức Phật dạy:
“Thờ cha mẹ đúng pháp
Buôn bán đúng (chơn chánh), thật thà,
Gia chủ không phóng dật,
Được sinh Tự Quang Thiên”.
Người con phụng dưỡng cha mẹ bằng đời sống chơn chánh (chánh mạng), hành động, việc làm, nghề nghiệp chơn chánh (chánh nghiệp), đời sống tinh cần không phóng dật, nỗ lực làm lành lánh dữ, tu tập các thiện pháp, đoạn trừ các ác pháp thì sau khi mạng chung sẽ được sinh lên cõi trời Tự Quang Thiên, là nơi an lạc, thù thắng, chúng sinh ở cõi đó có dung mạo hết sức xinh đẹp và khả ái, phước báo ở cõi đó loài người không sao sánh kịp.