Tại sao các vị tu sĩ lại cài bông hồng vàng?

Google News

Vì sao các vị tu sĩ cài bông hồng vàng trong Lễ Vu Lan?

Bông hồng cài áo thực ra là tên một đoạn văn viết về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và cũng là tên một ca khúc do nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác trong thập niên 1960, lấy ý từ bài viết trên.
Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, bông hoa hồng trong cách nhìn của người Việt là loài hoa thông dụng và dễ thương, được nhiều người yêu thích nhất. Loài hoa này còn mang quy ước biểu hiện của tình yêu thương của loài người. Chính vì thế Thiền sư đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm “Bông hồng cài áo” vào tháng 8 năm 1962.
Và ý nghĩa của việc cài bông hoa hồng, đã được Thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích ngay trong tác phẩm Bông hồng cài áo: “Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhờ thương không quên mẹ, dù đã khuất. Người được hoa màu hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi sẽ khóc than cũng không còn kịp nữa”.
Tuy nhiên, các vị tu sĩ lại cài bông hồng vàng. Tại sao lại vậy?
Các vị tu sĩ đã lìa bỏ đời sống thế tục để sống cuộc sống của người xuất gia. Họ mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để “trên cầu giải thoát, dưới cứu độ chúng sinh”. Cứu cánh đạt đến sự giác ngộ là cách báo ân tuyệt diệu nhất vì báo hiếu cho cha mẹ hiện đời và cha mẹ ở nhiều đời khác.
 
Thay vì cài bông hồng đỏ hoặc trắng để chỉ cho cha mẹ hiện tiền, việc đó rất là đúng, hợp với trời đất nhưng người tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn, lớn hơn, cao cả hơn. Đó là tất cả chúng sinh, vì thế cài bông hồng vàng để tỏ rõ lý tưởng cao quý này.
Theo đạo Phật, màu vàng là màu của giải thoát như Vô thượng phước điền y, màu của Đất. Trên đất, chúng ta có thể dẫm, đạp, cày xới, khạc nhổ hay làm bất cứ gì...đất vẫn trơ trơ, vì đất là sức sống, là nhẫn nhục, cưu mang tất cả, chấp nhận tất cả. Vì coi tất cả chúng sinh là cha mẹ, là quyến thuộc, họ hàng và quan trọng nhất là những vị Phật tuơng lai.
Màu vàng còn là màu của tuệ giác, tượng trưng cho sự buông bỏ, xả ly, không chấp thủ và thành tựu giải thoát.
Do vậy, dù hòa mình trong ngày Vu lan thắng hội nhưng nguời tu sĩ cũng muốn mượn màu sắc của hoa màu vàng để nói lên tinh thần đúng nghĩa của mùa Vu lan là sự giải thoát.
Theo Phật giáo Việt Nam

Bình luận(0)