Chiếc cầu thang sần sùi đã in vô vàn dấu chân đó nối liền với gác gỗ và chợ. Căn gác nhàu nhĩ nơi tôi ở trọ đã nhiều năm qua đang rung gió gọi mùa thu về. Bao lượt người đến rồi đi, đi rồi trở lại nghe mùi gỗ sực bụi tháng năm.
Nhà trọ này hầu như có duyên và chỉ thích kết thân với dân lao động lam lũ. Mấy phòng trọ chừng như lọt thỏm giữa những tòa cao ốc chót vót đỉnh gió. Vậy mà vẫn không thiếu những tiếng cười giòn giã của cư dân nhập thị nơi đây mỗi khi cuối tuần. Có lương ngày thứ Bảy, công nhân công trình xây dựng những dãy chung cư, niềm vui gói ghém qua ly đế miền Tây, bữa cơm thêm mặn mòi hơn mọi ngày. Cứ vậy mà họ sống, họ trải nghiệm và lần nhớ qua tháng năm xa nhà giữa đất Sài Gòn.
|
Tranh minh họa.
|
Ngày trước, gia đình bà chủ nhà trọ có thể nói là dư dả nhứt nhì ở dãy phố “Chợ Chiều” này. Ông chủ trọ làm thợ bạc nhưng vì cái nghiệp văn chương làm cho con người trải cái tình nhiều, bạn bè thì khắp nơi gom lại bàn chuyện thơ văn. Công ăn việc làm lời lóm đâu hổng thấy, chỉ thấy riết rồi hụt vốn. Bà chủ trọ nói: “Thôi, ông cứ làm thơ và đi vui chơi cùng bè bạn, việc nhà để tui tính cho. Ông tính riết toàn là lỗ. Người ta cầm đồ món hàng đã quá đát mà ông cũng cho họ nhận số tiền quá đẹp. Thiệt là…”.
Căn gác này lúc đầu họ làm để cho con cái, rể, dâu ở cho vui cửa vui nhà. Nhưng cuộc sống dễ gì thuận ý. Con cái lớn dần tuột xa vòng tay mẹ cha. Nhà ở phút bỗng rộng rinh, cái nhớ ùa vào bao mùa trở gió se sắt lòng người ở lại. Thế rồi ông bà quyết định cho thuê phòng trọ. Căn gác gỗ được cắt tách ra làm nhiều phòng nhỏ. Và từ đây gió bốn phương gọi về.
Tôi từ gác trọ nghe chuông nhà thờ gióng từng hồi và mỗi ngày hai lượt con chiên vẫn đến nhà thờ nghe cha giảng đạo. Tới đó, tất cả cởi bỏ những tị hiềm mà trao cho nhau ánh nhìn từ ái. Gần đó, nhịp chuông từ cửa thiền cũng trầm vọng gọi mình trở về bổn tâm chân thật. Phút ấy sao mà nghe yêu Sài Gòn quá đỗi! Thương từng con hẻm phố. Nơi đó có bao câu chuyện buồn, vui thân phận, ranh ma, lém lỉnh, bàn việc công tới việc riêng. Café sáng chìa ra bao thông tin cũ có, mới có… vậy mà chuyện đó vẫn đều nhịp, vẫn hằng hữu giữa Sài Gòn ồn ã và hào hoa này. Bởi ta có một Sài Gòn hào phóng, rộng lượng. Nó sẵn lòng mở toang mọi ngõ hẻm cho mặc lòng ta hỷ - nộ - ái - ố, thành bại, đến rồi đi. Đi rồi lại đến. Sài Gòn vẫn chìa tay đón nhận!
Nhiều người bạn đã từng rủ tôi dời chỗ trọ, mời mọc đến nơi hào nhoáng hơn nhưng giá trọ vẫn như vậy hoặc nhỉnh hơn xíu. Tôi cười trừ. Bạn nói: “Ở gác trọ này tối quá, lại gần chợ búa ồn ào, không hợp phong thủy, vệ sinh chung chủ thiệt phiền hà… Thôi, có mà đi tìm chỗ khác chứ anh?!”. Cổ nhân từng dạy tu ở chợ mới là bậc đại nhân. Mà trọ ngay chợ thì việc mua sắm rất tiện lợi phải không bạn?! Còn phong thủy là gì nếu không từ ta mà ra (!).
Việc vệ sinh chung chủ có phiền đó, nhưng nếu mình biết vạch ra quy trình sinh hoạt và phút chờ nhau đó luyện tính nhẫn nại xiết bao. Có thể bạn cho là biện minh. Ừ, cũng đúng! Nhưng có lẽ tôi không thể xa góc phố này, không xa nhà trọ này. Vì tôi đã trót yêu nó rồi! Nơi đây còn đọng trong tôi câu nói của người bạn già: “Bà chủ trọ của mày là người tốt đó! Giữa sài Gòn này không phải ai cũng vậy!”. Tôi mới hỏi: “Sao mà tốt?”. “Bữa nhậu phòng trọ mày rồi về. Ra cửa, bà ấy nói chú không có nón bảo hiểm đi chung xe với chú kia về sao được, để tui cho mượn nón bảo hiểm, hôm nào qua chơi thì gửi lại. Có mệt thì ngồi chơi lát tỉnh rượu chú hẵng về”.
Có lần, ông bạn tiến sĩ ghé chơi, ngạc nhiên hỏi: “Sao lại là Chợ Chiều hả ông?”. “Chợ này có tên là chợ Công Thành. Nhưng xưa rày ai cũng gọi là Chợ Chiều, bởi nó được nhóm họp mua bán bắt đầu từ sau giờ nghỉ trưa. Bây giờ thì chỉ còn một ít sạp mở bán từ sau trưa, đa phần đã nhóm từ lúc chuông giáo xứ Công Thành vang lên mỗi sớm mai”. Tiếng kêu lô tô của mấy chị hàng thịt, hàng rau kêu vui tai mỗi trưa về hoặc tiếng càu nhàu thói quen của ông anh bạn làm vệ sinh chợ mỗi hoàng hôn rụng cứ ám đầy bóng thời gian.
Con đường Nguyễn Thị Định tủa ra ôm lấy sông Sài Gòn và thành phố sang trọng nhứt nhì này vẫn rộn âm thanh của tiếng còi xe, lao xao mùi người và bụi phố cứ tung lên trong nhịp cần lao của những người dân quanh đây, nơi tôi đang sống.
Khi trái ớt, lúc dúm rau lâu ngày trở nên thân thiết tựa ruột rà. Hỏi sao mà đi xa cái gác trọ đó tôi lại không mong nhớ mau quay về. Lần tôi về quê chuẩn bị lo việc vợ sắp lâm bồn thì ông bà chủ nhà trọ lại giúi vào tay tôi tờ bạc năm trăm ngàn gửi cho mẹ và bé. Tôi không nhận nhưng lời từ chối bị khước từ. Rồi ngày mà mẹ và bé cùng bà ngoại của cháu từ quê lên gác trọ này sum họp gia đình nhỏ thì ông bà chủ trọ cũng sốt sắng không kém gì tôi. Mưa lâm thâm quận 2. Bà chủ cầm dù, áo che mưa ra trạm xe buýt gần nhà đón vợ con tôi.
Tiếng u oa ấm thêm phòng trọ này!
Cầu thang gỗ nối liền từ gác trọ đưa chúng tôi ra Chợ Chiều và những con hẻm đời giữa lòng phố thị chừng như đang hắt sáng, một ánh sáng từ lòng nhân hậu và yêu thương nhau, còn chút gì đó đượm mùi bùn sình nơi quê nhà…